Góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế-xã hội

Xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển, các cấp, các ngành, các địa phương của thành phố Hải Phòng đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu các đặc sản OCOP của thành phố Hải Phòng trên các sàn giao dịch điện tử trực tuyến.
Giới thiệu các đặc sản OCOP của thành phố Hải Phòng trên các sàn giao dịch điện tử trực tuyến.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Phạm Văn Tuấn cho biết, liên tục những năm gần đây, kinh tế-xã hội của thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá, tăng trưởng GRDP luôn ở 2 con số, là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế-xã hội Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng đạt mức 10,32%, đứng thứ 5 cả nước, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng; và chuyển đổi số tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Lĩnh vực chuyển đổi số tại Hải Phòng đang có được sự chuyển biến nhanh chóng, đạt kết quả tích cực với 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 (hơn 1.700 dịch vụ). Năm 2021, toàn thành phố chỉ mới có 20% số hồ sơ trực tuyến được xử lý thì đến năm 2023 đã tăng lên 90,7% với 956 nghìn hồ sơ được xử lý trực tuyến và trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có gần 79 nghìn hồ sơ được xử lý trực tuyến. Tỷ trọng gia tăng kinh tế số ICT/GDP ước đạt 24,5%, đứng thứ 4 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước và gần đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về chuyển đổi số thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.

Đến nay, Hải Phòng được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá cao về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng được xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố với kết quả đạt 91,81% điểm (tăng 1,72% so với năm trước). Hải Phòng cũng là một trong 7 địa phương của cả nước nằm trong nhóm A và là lần thứ 4 liên tiếp Chỉ số PAR INDEX của thành phố đạt kết quả hơn 90% điểm. Đáng chú ý, tại chỉ số thành phần Cải cách tài chính công, Hải Phòng dẫn đầu cả nước, đạt 96,21% điểm. Đối với Chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023, Hải Phòng đạt 88,09% điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; cao hơn 4,21% điểm và tăng 5 bậc so với năm trước. Trong đó đáng chú ý, chỉ số hài lòng về việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, Hải Phòng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, đạt 88,97% điểm...

Theo ông Phạm Quý Dương, chuyên gia của Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông, không có dữ liệu thì không thể thực hiện được công cuộc chuyển đổi số; trong đó, hạ tầng dữ liệu là cốt lõi và là yếu tố then chốt. Để công cuộc chuyển đổi số mang lại hiệu quả, Hải Phòng cần tập trung phát triển các cơ sở dữ liệu, nhất là các dữ liệu về vùng kinh tế trọng điểm, dịch vụ bưu chính, đất đai, du lịch...

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Đại Thắng, trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã chú trọng việc phát triển dữ liệu chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực tư pháp với cơ sở dữ liệu hộ tịch, tài nguyên môi trường, giáo dục và đào tạo, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, nội vụ, công thương... Riêng năm 2024, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Hải Phòng đang tích cực triển khai 81 nhiệm vụ cụ thể trong phát triển dữ liệu chuyên ngành và thành phố đầu tư 400 tỷ đồng cho lĩnh vực này...

Đến giữa tháng 6/2024, về lĩnh vực tài nguyên môi trường, thành phố đã có gần 667 nghìn thửa đất có dữ liệu về không gian, hơn 291 nghìn thửa đất có dữ liệu thuộc tính, tiếp nhận và xử lý hơn 217 nghìn hồ sơ về đất đai... Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hải Phòng đã có dữ liệu của hơn 800 cơ sở giáo dục với hơn 32 nghìn giáo viên, 512 nghìn học sinh, các cơ sở giáo dục đều ký sổ học bạ, sổ điểm điện tử ở các cấp học. Toàn bộ 188 cơ sở y tế trên địa bàn có khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đều thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân và đã có gần 1,3 triệu lượt tra cứu thành công phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế... Đến nay, Hải Phòng cũng đã có hơn 2,6 triệu cơ sở dữ liệu hộ tịch lịch sử được rà soát, phê duyệt trên phần mềm hộ tịch, đạt hơn 90% khối lượng công việc. Riêng trong quý I năm 2024, toàn thành phố có 6.236 trường hợp đăng ký khai sinh, hơn 2 nghìn trường hợp kết hôn, 3.395 trường hợp khai tử và hơn 11.500 bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện An Dương Lương Thế Quý cho biết, huyện đã tập trung thực hiện số hóa dữ liệu và tạo dựng Hệ thống tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS). Hệ thống này đi vào hoạt động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số. Giờ đây trên cơ sở dữ liệu được số hóa và cập nhật thường xuyên, lãnh đạo huyện có thể xử lý công việc trực tiếp ở mọi lúc, mọi nơi và nhanh chóng ra các quyết định chỉ đạo, điều hành một cách nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết, xử lý công việc…

Trong các tháng đầu năm 2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền Hải Phòng đã xử lý hơn 78,7 nghìn hồ sơ, đạt hơn 80% trong tổng số 97 nghìn hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt hơn 59%...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Văn Tuấn chia sẻ, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024, thành phố đang tập trung cao trong thực hiện các chỉ tiêu quan trọng của xây dựng chính quyền số, với 100% số thủ tục hành chính theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến và 100% số dân, doanh nghiệp sử dụng trên các hệ thống của các cấp chính quyền, báo cáo cũng như hồ sơ được tạo và lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Cùng với đó, Hải Phòng chú trọng phát triển kinh tế số và xã hội số với 100% số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn sử dụng nền tảng số; 80% số giao dịch được sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 70% số dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản, cùng kỹ năng an toàn thông tin và kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội; 50% số dân trong độ tuổi trưởng thành có chữ ký số và sử dụng dịch vụ công trực tuyến...