Xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung được Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị; triển khai, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học-công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm giải quyết thủ tục hành chính trong bộ máy công quyền từ cấp xã đến cấp huyện, nhưng kết quả mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00

Nền hành chính công của thành phố vẫn còn những điểm nghẽn, nhất là về cung cấp dịch vụ công chưa được đồng bộ, thanh toán trực tuyến chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn nhiều, số hóa hồ sơ còn chậm… Ngoài nguyên nhân khách quan là thành phố có khối lượng hồ sơ lớn, thiếu nhân lực, nhất là ở các địa phương có dân số đông, còn có nguyên nhân chủ quan là thiếu sự tập trung, chưa triển khai quyết liệt về cải cách hành chính của một số địa phương, đơn vị.

Tại các cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư tại thành phố trong năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, môi trường đầu tư của thành phố cần được cải thiện thông thoáng hơn nữa. Theo kết quả công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, thành phố nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình thấp.

Để cải thiện Chỉ số PAPI, ngày 10/5/2023, thành phố ban hành Kế hoạch số 1088/KH-UBND nhằm đánh giá, xây dựng các giải pháp phù hợp cải thiện Chỉ số PAPI năm 2023 và cho đến năm 2025 một cách ổn định, bền vững. Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chú trọng tăng cường kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, rà soát quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian, chuyên nghiệp hóa việc giải quyết thủ tục hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc tổ chức đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp nhằm trực tiếp lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính; có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động đóng góp, hiến kế cải cách hành chính.

Các cơ quan, địa phương cần tạo môi trường thông thoáng, cởi mở, thân thiện để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia vào hoạt động quản lý, điều hành kinh tế-xã hội của địa phương; tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, người dân kịp thời nắm bắt, tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tại địa phương.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tập trung nguồn nhân lực để nhanh chóng hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Bên cạnh triển khai quyết liệt các nội dung chỉ đạo của thành phố, để nâng cao “chất lượng” nền hành chính công, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những sáng kiến, cách làm, mô hình điển hình hay về chuyển đổi số trong cải cách hành chính...