Vun đắp giá trị văn hóa gia đình

Xây dựng văn hóa gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ cuộc vận động này, trên địa bàn Thủ đô ngày càng có nhiều tấm gương Gia đình văn hóa tiêu biểu, khi cả nhà cùng có học vấn cao, cả gia đình bốn thế hệ sinh sống mà vẫn trong ấm, ngoài êm hay có những gia đình vừa giữ gìn hạnh phúc cho tổ ấm, vừa cống hiến cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Nội tôn vinh các Gia đình văn hóa tiêu biểu để lan tỏa những giá trị văn hóa gia đình trong cộng đồng.
Thành phố Hà Nội tôn vinh các Gia đình văn hóa tiêu biểu để lan tỏa những giá trị văn hóa gia đình trong cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại, khi cái “tôi” của mỗi cá nhân được đề cao, việc chung sống nhiều thế hệ trong một gia đình trở thành vấn đề khiến nhiều người e ngại. Không ít người sợ khoảng cách về thế hệ dẫn đến những xung đột trong cách sống. Song, không ít gia đình, việc nhiều thế hệ cùng sinh sống lại giúp mỗi người biết sẻ chia và cảm thấy đầm ấm hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Đó là câu chuyện của cụ Đỗ Thị Dụ (81 tuổi, phường Phúc La, quận Hà Đông). Mỗi khi nói về gia đình mình, cụ luôn tự hào về một “tiểu đội con”, “trung đội con cháu”. Cụ Đỗ Thị Dụ hiện có 11 người con, cả trai, gái, dâu, rể; 15 cháu, hơn 10 chắt. Trong một gia đình nhiều thế hệ như thế, nhưng các thành viên trong gia đình cụ luôn biết cách ứng xử để giữ hòa khí, yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ nhau. Các thành viên còn tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Cụ Đỗ Thị Dụ chia sẻ: “Tuy đã nghỉ hưu, nhưng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Các con tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan rất tích cực tham gia các phong trào do địa phương tổ chức”.

Ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), hầu như ai cũng biết đến gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt. Bốn thế hệ với hàng chục thành viên sống trong một mái nhà. Để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người chung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình, những yếu tố “gốc” của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa. Đó là đạo lý về hiếu thảo, trên kính dưới nhường, đó là người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng. Cụ Nguyễn Thị Chắt chia sẻ, gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây.

Cuộc sống diễn ra với thực tế rất phong phú, sinh động. Mỗi người lại có những bí quyết riêng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Để tạo ra những giá trị văn hóa chuẩn mực, có tính phổ quát trong gia đình, thành phố Hà Nội thúc đẩy việc xây dựng mô hình Gia đình văn hóa (trong triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa), thí điểm triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nêu gương... trong xây dựng văn hóa gia đình thời hiện đại.

Không chỉ “khoán” cho ngành văn hóa, các ngành, đoàn thể, địa phương đều tham gia với nhiều sáng kiến, sáng tạo khác nhau. Tiêu biểu như huyện Ứng Hòa triển khai mô hình Câu lạc bộ “Gia đình văn minh, hạnh phúc”; huyện Đan Phượng vận động thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”; huyện Chương Mỹ tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”...

Dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam này, các cuộc gặp mặt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, Gia đình văn hóa tiêu biểu... được nhiều địa phương tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, nhân lên những điển hình. Thành phố chú trọng đến những mô hình gia đình vừa kế thừa truyền thống, vừa thích ứng với xã hội hiện đại. Yếu tố hiện đại là sự tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế, năng động trong công tác xã hội để vừa xây dựng hạnh phúc gia đình, vừa đóng góp cho xã hội.

Điển hình trong mô hình này là ông Hoàng Mạnh Cường (tổ dân phố số 4, phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều năm qua, gia đình ông Cường chú trọng tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều người là cựu chiến binh, con em của cựu chiến binh ở địa phương; ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp các quỹ; ông cũng là người tích cực trong các phong trào văn hóa, thể thao...

Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục lan tỏa sâu rộng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trần Thị Vân Anh cho rằng, gia đình cần điều chỉnh văn hóa bằng tình cảm; làng, xã điều chỉnh văn hóa bằng dư luận; Nhà nước điều chỉnh văn hóa bằng pháp luật. Đó là ba trụ cột tạo nên sự bền vững của văn hóa dân tộc, mà gia đình là nơi khởi nguồn, định hình, bồi đắp các giá trị.

Ngành Văn hóa Thủ đô xác định cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa ở cơ sở; triển khai hiệu quả Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.