Giữ đất, giữ làng
Triêm Tây được hình thành từ đầu thế kỷ 17 bên dòng sông Thu Bồn. Vài năm trở lại đây, ngôi làng nhỏ bé được biết đến nhiều hơn sau khi kiến trúc sư (KTS), viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Bùi Kiến Quốc xây dựng khu nhà vườn tại đây vào năm 2009.
Ông Quốc tìm đến Triêm Tây khi làng đang đứng bên nguy cơ bị xóa sổ vì nước lên trồi sụt mất đất. Bằng vốn liếng cá nhân và tầm nhìn của một KTS, ông đã cho kè lại bờ sông theo phương pháp “bền vững”, tránh phá vỡ cảnh quan chung. Ông không cho xi-măng hóa bờ kè mà be bờ bằng bao cát. Cả khu nhà vườn của ông cũng được xây dựng theo kiến trúc xanh: làm từ vật liệu tự nhiên, như tre, nứa và lợp mái lá, nằm lẫn bên những rặng tre đã trồng từ bao lâu nay. Trông xa, nhà vườn hoàn toàn không khác lạ so những ngôi nhà dân khác ở Triêm Tây. Từ ý tưởng của ông Quốc, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền địa phương, người dân hiểu rằng quê hương của họ không cần phải thay đổi, thêm bớt bất kỳ cấu trúc nào để thu hút khách du lịch.
Hòa mình vào không gian xanh của nhà vườn.
Như nhiều ngôi làng khác ở Việt Nam, Triêm Tây đẹp và yên bình với những ngôi nhà ngói mộc mạc và mái đình cổ kính rêu phong. Nhưng không phải lúc nào cũng nên thơ. Đất và người Triêm Tây bao đời nay phải lam lũ bươn chải. Cái đẹp và sự gian truân, đúng như miêu tả trong một câu hát bài chòi: “Sau bờ tre ấy là làng, trước bờ tre ấy đồng vàng cò bay. Hiền như mặt nước lòng sông, mà khi bão nổi làm giông đắm đò”.
Không ai ở đây quên những ngày tất tả chạy lụt. Không như những làng nằm sâu trong bãi, Triêm Tây ở tận cùng bán đảo, sát bờ sông, nên cứ nước Thu Bồn dâng là làng lụt. Anh Được, xã viên Hợp tác xã (HTX) Du lịch cộng đồng Triêm Tây chỉ ra bãi đất bồi ven sông, rộng mênh mông mà bị bỏ hoang. “Đất màu mỡ, nhưng một năm chỉ trồng được một mùa vì ở đây nghẹt cái lũ. Năm nào cũng có lụt, có năm lụt ba, bốn lần, có năm lụt một lần, lâu lâu mới có một năm không lụt. Nước sông dâng là lụt vào tới nhà, phần lớn nhà dân đều bị ngập. Có năm hứng mưa, hứng gió hai tháng liền không bước ra đồng. Còn thông thường, một cái lụt kéo dài từ ba đến bốn ngày”, anh kể.
Lần gần đây nhất là cách đây ba năm. Năm 2013, lũ tương đối lớn, mực nước thôn Triêm Tây bình quân cỡ mét rưỡi, nhà ở xa bờ sông nhất cũng ngập ngang tới cửa. Người dân đã quen sống chung với lũ, lụt đến thì dời đồ lên nóc, gà lợn cũng đưa lên cao, nhà nào nuôi bò đã đắp sẵn mô đất cao để nước lụt không lên tới đó.
Phát huy giá trị truyền thống
Dù thế nào, người Triêm Tây cần cù lam lũ vẫn rất yêu đời. Đạp xe từ đầu tới cuối làng, tôi được chào đón bằng những nụ cười rạng rỡ, sự niềm nở, hiếu khách. Với tinh thần cởi mở ấy, người dân Triêm Tây đang dần bắt nhịp trở thành điểm đến vệ tinh kết nối phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam.
Du lịch cộng đồng là chuyện được bà con nhắc đến nhiều nhất ở Triêm Tây. Mọi người ý thức được rằng, làm du lịch không phải là việc để kiếm tiền chóng vánh, song song phát triển du lịch vẫn phải bảo tồn giá trị của địa phương, định hình cái quan trọng, tránh tình trạng phá cảnh quan phục vụ khách du lịch ngắn hạn. Anh Được dẫn chúng tôi ra khu vườn cộng đồng của thôn, mới bắt đầu thành hình. Trong tương lai nơi này sẽ trồng hoa và cây ăn trái, là điểm đến cho du khách tham gia làm vườn với bà con, trồng rau sạch làm quà. Anh nói: “Du lịch cộng đồng là phát triển dần dần, mình đâu thể làm hai, ba tháng được, phải năm, bảy năm nữa chớ”.
Ông Nguyễn Yên, Chủ nhiệm HTX Du lịch cộng đồng Triêm Tây cho biết ý tưởng thành lập HTX xuất phát từ mong muốn của tất cả mọi người. Từ năm 2014, UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mở chương trình tập huấn bà con trong thôn để biết và hiểu về mô hình làm du lịch. Sau đó, từ giữa năm 2015, HTX Du lịch Triêm Tây hình thành với sự tham gia của 23 trong số 148 hộ trong thôn. Ban Chủ nhiệm đến giờ vẫn làm việc không lương. “Chúng tôi tự lập, tự tính toán, liên hệ và đón khách. Khách tham quan ở nhà dân, ăn với dân”.
Ông cho biết thêm, Triêm Tây có nghề dệt chiếu cói, trước đây cây cói mọc ngoài bãi chỉ việc ra cắt về phơi khô dệt chiếu. Nhưng cói dần khan hiếm, người trong làng phải mua thêm nguyên liệu từ nơi khác. Cô Năm, người thợ dệt lâu năm trong làng, tươi cười khoe chiếc chiếu mầu đang dệt. Từng cọng cói được nhuộm mầu, tạo nên chiếc chiếu rực rỡ mà chỉ trông thôi cũng đã thấy sự kỳ công của người dệt. Chiếu mầu đắt gấp ba, gấp bốn chiếu trắng, và dệt hoàn toàn bằng sợi cói chứ không dùng sợi gai công nghiệp. Thế nên, khách du lịch nước ngoài rất thích sản phẩm “100% handmade” này của Triêm Tây.
Cùng nghề làm chiếu, người dân địa phương còn nổi tiếng với nghề đắp tượng. Người thợ Triêm Tây khéo tay đã nổi danh xứ Quảng và được mời đi ngược xuôi làm việc. Triêm Tây còn có những địa danh như giếng cổ ông Xã Chức, nhà cổ ông Nghè Phụng, Phó Ba… được lưu giữ bên cạnh các điểm đến mới như nhà vườn ông Quốc (cách bà con gọi khu nhà vườn của KTS Bùi Kiến Quốc) hay nhà sinh hoạt cộng đồng được nâng cấp từ trường tiểu học cũ để làm nơi tránh lũ và sân vui chơi chung, khu vườn cộng đồng.
Ở nhiều nơi tôi qua, một điều đáng buồn là dịch vụ du lịch còn khiến du khách phát hoảng. Nếu muốn được phục vụ tốt phải tới resort “năm sao”… Đến đây mới thấy, người dân Triêm Tây hào phóng đến nhường nào. Những con đường với hàng chè tàu xanh ngắt, đồng cỏ rộng thênh thang trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, rặng tre xào xạc bên bến đò, sông nước mênh mông, bãi bờ thẳng cánh cò bay, tất cả hòa vào nhau đẹp đến nao lòng. Mỗi nhà dân tự nhiên đã là resort năm sao có tầm nhìn trông thẳng ra sông Thu Bồn. Những cánh cửa luôn rộng mở đón khách dừng chân uống chén trà, tất cả đều miễn phí.
Bởi vậy du lịch cộng đồng ở Triêm Tây là công sức, là đóng góp và là sở hữu của mỗi hộ dân, chứ không thuộc về dự án tiền tỷ của ai khác. “Làm ăn lớn” là như vậy, song cũng không thay đổi gì tới cuộc sống thường ngày. Ở Triêm Tây, nhà nào cũng trồng hoa rực rỡ trong mảnh vườn nhỏ trước sân. Về cuối năm, nhà này qua nhà khác xin thêm hạt giống mới, để ươm bông đón Tết. Nếu có điều gì đáng tự hào hơn cả ở Triêm Tây, thì đó chính là con người nơi đây, là nụ cười rạng rỡ, sự chất phác, yêu đời của anh Được xã viên, của cô Năm chiếu cói. Không chỉ cảnh quan đẹp, mà chính sự hồn hậu của bà con chòm xóm đã níu chân du khách.