Gói bánh tét, quết bánh phồng
Hồi đó, không khí Tết ở quê tôi về rất sớm. Cái mốc thời gian đo được là rằm tháng Chạp (15-12 âm lịch) hằng năm, dù bận bịu cỡ nào cũng phải tranh thủ lặt lá mai vàng. Loài hoa có cái tên đem lại điều may mắn với sắc vàng rực rỡ ấy chỉ nở hoa đúng lúc Giao thừa, nếu được hái trụi lá và “cai” nước nửa tháng trời. Lúc này, mùa lúa đông - xuân ngoài đồng cũng sắp thu hoạch rộ. Từng đàn chim én lũ lượt kéo về, chao nghiêng bay lượn, báo hiệu mùa xuân đã cận kề. Nhà nào xong chuyện mùa màng, thì độ hai mươi âm lịch là đi tảo mộ ông bà. Mấy chén xôi, chè bày biện để kịp đưa ông Táo về trời, chiều hai mươi ba tháng Chạp. Từ nhỏ tới năm mười tám tuổi chưa đi khỏi đít “ông Táo” một lần. Bất ngờ năm ấy tôi đậu vào đại học, rồi biền biệt xa quê, làm việc ở xứ người tới tận bây giờ ngót đã mười lăm năm có lẻ. Gồng gánh, “cày” riết cũng mua được căn nhà trả góp để gọi là tổ ấm. Cứ quẩn quanh với cơm, áo, gạo, tiền quên béng chuyện về thăm quê, thăm ba má. Ba tôi giận, có hôm điện thoại, trách nhẹ nhàng: “Cái thằng quên mất quê hương rồi hén?!”. Lật đật chạy về quê, ông già mừng vui ra mặt. Thằng cháu nội đích tôn giờ đã biết nói bi bô, làm trò cho ông cười tít mắt. Rồi ba cũng đi xa, về đoàn tụ ông bà. Chỉ còn má hôm sớm ở quê, ngày ngày trông ngóng bầy con lấy chồng, vợ ở xa về quây quần bên mâm cơm ba ngày Tết.
Một sáng cuối đông, lòng bỗng cồn cào nỗi nhớ. Lật đật phóng xe về quê tìm má. Bên mâm cơm, hỏi chuyện Tết quê xưa, má kể rành một mạch mà nước mắt rưng rưng. Bao nhiêu ký ức chợt ùa về. Thuở ấy, xóm nghèo toàn nhà tre vách lá. Vậy mà, chuyện lễ, Tết hổng thể qua loa. Một năm lao động vất vả, chỉ có ba ngày Tết để hạnh phúc sum vầy, để thắp thêm hy vọng năm sau mần ăn khấm khá. Cứ độ hai mươi bốn tháng Chạp là nhà nào cũng quết bánh phồng. Gà vừa gáy canh ba thì những nồi xôi nếp đã sôi ùn ụt. Tiếng chày bắt đầu gõ nhịp đều đều. Nhà nào khá giả thì có chiếc đèn măng-sông treo trên nhánh cây xoài trước cửa. Nhà nào không có phải đốt đèn ống khói dầu. Nhưng hổng phải nhà nào cũng quết, mà năm bảy nhà hùn lại, quết chung một mẻ bột, rồi mần vần công lại cho nhau. Cánh đàn ông khỏe mạnh thì dùa bột, quết chày. Còn đàn bà, con gái khéo tay ngắt bột, cán bánh rồi chất lên liếp tre để đem phơi. Bánh khô đem bó lại thành một chục mười, chia đều cho từng nhà trong xóm. Má nói: “Cái bánh phồng coi vậy mà ý nghĩa lắm nghen bây. Đầu năm nướng bánh phồng cúng trên bàn thờ tổ tiên ông bà là để mong cho chuyện mần ăn được nở nồi, trong năm mới”.
Năm đó về quê, đã chuẩn bị đón Giao thừa mà má vẫn cặm cụi bên bếp lò thăm nồi bánh tét. Tôi buột miệng: “Năm sau má đừng gói bánh tét nữa, chợ bán đầy kìa. Ăn bao nhiêu, con mua về cho má”. Bà cũng chẳng buồn, bảo, tụi bây đi xa riết rồi mất gốc. Làm việc có tiền, bây ăn gì hổng có. Nhưng đây là truyền thống ông bà từ xưa để lại, má giữ cho con cho cháu, sau này. Tôi biết má buồn, nên âm thầm chuộc lỗi. Gần Tết lại tranh thủ chạy về phụ má. Năm nào Tết đủ, có 30 thì chiều 29 mới bắt đầu gói bánh. Còn năm thiếu thì chiều 28 mọi thứ đã sẵn sàng. Trưa hôm trước tôi vác cây cần mốc với cái lưỡi hái dài ra vườn chuối chọn mấy tàu tươi tốt, chọc lá, đem phơi. Mấy chị gái lấy chồng cách một dòng sông cũng tranh thủ về trước Tết. Người đãi đậu, gút nếp đem ngâm. Bên những đòn bánh tét lần lượt thành hình, bao nhiêu chuyện buồn vui của một năm qua cũng vơi đi. Giờ má đã già, lại thêm chứng bệnh khớp nên không còn gói bánh. Tôi lại thèm thuồng được ngồi bên bếp than hồng nồi bánh tét của má đêm 30 Tết.
Mần heo, đổi lúa
Hừng đông, chú Tư Lía đã đi thông báo giáp xóm Cầu Gãy, biểu chút xíu lại nhà tui phụ một tay rồi chia ký thịt heo về kho cho tụi nhỏ nồi kho rệu. Giờ phải đi kêu thằng Bul đâm họng, chọc tiết mới ngon. Cái lệ ở quê tôi cũng ngộ, mọi giao dịch đều trôi chảy nhẹ nhàng, hổng phải kỳ kèo trả giá. Mọi thứ đều đã trở thành “luật bất thành văn”, rành mạch. Mỗi lần ra tay “sát thủ” một con heo cho nhà nào trong xóm, Bul hổng lấy tiền công mà chỉ xin mỗi thứ một ít của bộ đồ lòng. Còn hàng xóm tới phụ một tay cho xôm tụ, rồi chia mỗi người một hai ký thịt mang về. Giá cả cũng hổng lo cao thấp, bởi đâu ai trả bằng tiền mặt. “Mần heo, đổi lúa, mà bây”, chú Tư Lía cười trơ hàng “tiền đạo” trống hoác ra, giải thích. Một ký thịt heo đùi, nạc tương đương một giạ lúa, tới mùa. Còn mỡ, hay ba rọi, nọng, nách thì chừng nửa giạ ăn lên. Dẫu vậy, hổng ai phàn nàn chuyện mắc rẻ chi ráo trọi. Mấy cục thịt heo nuốt qua cổ họng, mất hút, tưởng quên, ai dè năm sau tới mùa lúa hè thu chín rộ, chú Tư Lía xách bao tới từng nhà, gom lúa. Đong lúa xong, chú Tư nhắc nhở: “Năm nay tới nhà anh Sáu mần heo, hén?!”.
Nhà nào muốn mần heo ăn Tết thì phải tính toán ngay từ sau Tết Đoan Ngọ mấy tuần. Từ bắt heo con về nuôi bằng cám, rau muống sắc nhuyễn nấu với tấm cho ăn mỗi ngày. Ròng rã năm bảy tháng trời con heo “đi bộ” mới vô tạ nên thịt ngon đáo để. Buổi sáng nay mần heo, thì chiều hôm trước phải bỏ đói một bữa để sạch ruột, dễ mần bộ đồ lòng. Mà vui nhứt phải kể là tụi nhỏ trong xóm Cầu Gãy, vì sắp có cái để chơi. Tụi nó í ới gọi nhau, bỉu nhà ông Tư Lía sắp mần heo, tụi mình rình xin cái bong bóng heo bơm lên làm banh đá. Thím Tư Lía kê vội mấy cục gạch làm cà ràng nấu nước sôi, để chút nữa cạo lông heo cho ngọt. Rồi cũng cái bếp ngoài trời ấy, thím Tư vo gạo, bỏ vô nồi nấu cháo lòng. Khi thịt ra xong, mớ đồ lòng mần sạch cho vô nồi, lúc sau thơm lừng, bốc khói. Chiếc bàn tròn bày ra giữa sân, những chén cháo thắm đượm tình làng, nghĩa xóm húp vô tới đâu nghe ấm dạ, ấm lòng tới đó. Ly rượu đế rót tràn trề, cụng ly cái rốp, bỉu vô trăm phần trăm mới được à nghen. Tiệc cháo tan, hàng xóm ra về mỗi người trên tay với ký thịt heo làm nồi kho rệu sẵn sàng rộng cửa đón láng giềng, khách khứa trong ba ngày Tết…
Những nét xưa truyền thống của Tết xưa Nam Bộ giờ chỉ còn trong ký ức, tôi mãi đi tìm…