Người soi ong trên sườn tây Tam Đảo

Ông bảo, nếu được chọn một vị trí trong tổ ong mật đặt ngay phía trước nhà, ông sẽ làm một con ong thợ (!). Ông lại bảo, đời ông, từ khi còn là một đứa trẻ cho đến khi đã vào tuổi thất tuần, luôn gắn với rừng với núi, với rì rầm những cánh ong bay. Tôi đồ rằng, ông là người duy nhất trên miền đất này, còn đang làm công việc soi ong, để gây giống loài côn trùng mà nếu thiếu sự có mặt của chúng, đời sống con người có thể gặp hiểm nguy, thậm chí có cơ bị hủy diệt (?).

Lối vào cửa Tử.
Lối vào cửa Tử.

Con đường độc đạo dài chừng 15 cây số từ phố thị Đại Từ men theo suối Long vào làng ông bây giờ đã là con đường rải nhựa. Hai bên đường, những triền hoa dại nở bạt ngàn, những đồi chè xanh ở đây được chăm tỉa kỹ lưỡng như những hàng Bon Sai được sắp xếp hết sức trật tự theo chiều uốn lượn của sóng đồi Hoàng Nông dẫn về tận cửa Tử. Mỗi độ xuân về, làng bên cửa Tử nở đầy hoa Giấy Dó. Đó là loài cây mùa xuân nở những bông hoa mầu trắng ngà như sữa pha có mùi thơm nồng nàn rất dẫn dụ loài ong làm mật tìm về lấy nhụy.

Mỗi lần trở về, thể nào tôi cũng dành thời gian một mình lội dọc suối Long. Suối Long, con suối từ dốc dựng đổ về đây sau khi len qua một hẻm đá hết sức hiểm trở. Phía trong hẻm đá là vùng phiên bãi kín gió trải rộng đến hàng chục hecta của rừng quốc gia triền tây Tam Đảo. Đó là nơi người dân, chủ yếu là dân tộc Dao Tiền Hoàng Nông lánh nạn mỗi khi có biến. Dân làng truyền tụng, từ lâu lắm rồi, một lần, giặc phương bắc tràn về Hoàng Nông, thế giặc quá mạnh khiến dân Hoàng Nông bỏ làng rút vào sau cửa Tử. Một đội tráng binh dũng cảm được tuyển lựa kỹ càng chốt nơi hiểm địa. Và, không biết bao nhiêu quân thù bị đội tráng binh tiêu diệt khi chúng vừa len nửa thân mình qua hẻm đá cửa Tử… Nay, con suối Long dồn về phía dưới tích nước làm nên mặt hồ Núi Cốc mênh mông huyền thoại. Nhớ ngày giỗ trận, một ngôi miếu thiêng được dựng ngay trên cửa Tử. Mỗi năm dân làng vẫn chọn ngày hai mươi tháng Chạp làm ngày cúng miếu. Ngày đó có ý nghĩa như ngày mở Tết. Sau ngày mở Tết, các nhà trong làng mới tuần tự chọn ngày làm Tết nhà mình. Cỗ Tết Hoàng Nông kéo dài cho đến hết chiều tất niên. Ba ngày Tết không ai lên rừng. Để đến mồng bốn, mồng năm tháng Giêng, nhà nhà ăn Tết lại.

Ông Ngà sinh năm 1946. Cậu bé Ngà được cha nuôi cho ăn học hết lớp 4 trường làng. Những năm học cấp hai, Ngà phải lội bộ gần 15 cây số ra phố huyện Đại Từ. Sau giờ đến lớp, Ngà đặc biệt say mê với công việc theo cha lên rừng Tam Đảo tìm ong lấy mật. Ngày đó, rừng Tam Đảo thâm u nhiều thú dữ và rất lắm ong rừng. Ong làm tổ trong bộp cây, trên cành cao và cả trong hốc đá. Cha đã dạy cho Ngà hiểu được tập tính của từng loại ong trong rừng. Cha còn dạy Ngà cách phân biệt ong chúa, ong đực, ong thợ, ong soi trong một đàn ong mật. Ở tuổi lên mười, cậu bé Ngà đã biết cách bắt một đàn ong đang bốc bay, cách tạo nên mũ chúa mới để sẵn sàng thay thế những con ong chúa đã già hoặc phục vụ cho việc chia những đàn ong đông quân làm hai đàn riêng biệt…

Ông Ngà kể, dạo đơn vị đồn trú ở tây Trường Sơn, bằng vào tài lẻ của mình, anh chàng Ngà đã có lúc nuôi được hàng chục đõ ong lấy mật. Tổ ong là những hòm phế liệu được phơi cho hết mùi bom đạn. Ong giống được Ngà thu phục trong mùa ong chia đàn bốc bay qua nơi đơn vị đóng quân hoặc từ những tổ ong bắt được trong rừng đại ngàn. Trong nhiều lần hành quân, Ngà được ưu tiên gùi hẳn một ba-lô con cóc đựng... một đàn ong giống.

Người soi ong trên sườn tây Tam Đảo ảnh 1

Ông Ngà đặt đõ mồi và kiên nhẫn quan sát.

Năm 1976, ông Ngà về lại Hoàng Nông, trở lại với nghề nuôi ong lấy mật. Trước đây, để có đàn ong giống, người ta có thể chủ động chia những đàn ong trên tám cầu thành hai đàn bằng cách tạo ra những con ong chúa mới. Ông bảo, nghề soi ong của ông là cái nghề cô đơn bậc nhất trên thế gian này (?). Bởi ông không có ai là bạn nghề để cùng ông chia sẻ những vui buồn của cái công việc một mình một bóng trên rừng sâu, trên núi cao, thiếu vắng cả đến tiếng người.

Vào một ngày đầu đông có nắng, khoác chiếc ba-lô lủng củng đồ nghề theo ông Ngà vào cửa Tử. Sau khi nhìn mây ngắm gió, đoán định thời tiết diễn tiến trong ngày, chọn một chỗ ngồi có thể yên vị cho cả một ngày làm công việc soi ong, ông Ngà bảo: “Làm cái anh soi ong này là phải đoán định được cả thời tiết, mà thời tiết rừng sâu Tam Đảo đâu có thể chỉ nghe dự báo trên tivi mà đã được!”. Mùa soi ong chỉ diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đó là khoảng thời gian loài ong có nhu cầu chia tổ. Ong soi lại chỉ đi soi sau 7 giờ sáng và muộn nhất đến 4 giờ chiều. Những ngày nhiệt độ xuống thấp quá 17 độ C thì ở nhà cho khỏe. Gió mưa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả soi ong. Theo ông Ngà, một đàn ong dù đông quân cỡ nào cũng chỉ có chừng trên chục con ong soi. Ong soi cũng là con ong thợ nhưng dáng vóc to hơn một chút, hai chân sau duỗi thẳng về phía sau khi bay. Ong soi khi bay phát ra tiếng kêu to hơn ong thợ. Nhìn một con ong, người soi ong phải phân biệt được đâu là ong thợ chuyên đi soi, đâu là ong thợ đi lấy nhụy, lấy mật. Thật ra, đã làm công việc liên quan đến con ong thì ai cũng biết trong đàn ong có ong chúa, ong đực và ong thợ. Lại cũng biết rằng, những con ong đực cả đời chỉ làm mỗi việc thụ tinh cho ong chúa. Còn lại, đa số thành viên trong đàn ong là ong thợ. Trong số ong thợ đông đúc lại có những con chuyên canh gác, chuyên xây tổ, chuyên tìm hoa lấy nhụy, lấy mật và mỗi đàn ong lại có chừng trên dưới một chục con ong soi. Ong soi là những con ong chuyên đi tìm nơi ở mới khi đàn ong cần di chuyển địa điểm hay chia đàn. Đồ nghề của người soi ong, quan trọng nhất là chiếc đõ mồi. Đõ mồi của ông Ngà được làm từ gỗ mít mật được đẽo gọt công phu có hình một chiếc giỏ kín cả hai đầu. Sau khi chế tác, đõ mồi được tẩm nước sáp ong pha mật ong rừng nhiều lần và được nấu kỹ trước khi đem phơi khô kiệt. Chọn hướng gió, hướng nắng đặt đõ mồi và kiên nhẫn quan sát. Nếu thấy ong soi xuất hiện và bám vào đõ mồi, người soi ong dùng vợt bắt ong soi nhốt vào đõ mồi chừng 10 phút và thả cho ong soi bay đi. Đợi khoảng 1 giờ sau sẽ thấy đàn ong tụ dần về đõ. Lúc đó có thể hiểu việc soi ong đã thành công.

Những ngày cuối Chạp, hoa Giấy Dó Hoàng Nông đã nở trắng lối mòn. Cửa Tử lại rì rầm những tiếng ong bay. Cạnh dòng thác trắng, Tết này, một ấm trà Hoàng Nông với mùi hoa Giấy Dó, đủ để ước thành một chú ong soi.