Mùa xuân om cá rau cần

Tháng Chạp, mỗi khi gia đình tôi về quê trước Tết ông Táo, ở góc vườn đã thấy bóng dáng cha chống gậy lom khom. Nghe tiếng cháu gọi từ đầu ngõ, bàn tay nhăn nheo của ông luôn nắm chặt cây gậy bước gấp vào sân. Ông khen con cháu về đúng lúc quá, ông đang chọn đất đặt chảo gang để “tổng chỉ huy” món ăn đoàn tụ theo truyền thống gia đình là cá nướng om rau cần.

Minh họa: Nguyễn Minh
Minh họa: Nguyễn Minh

Hăm hai tháng Chạp, đầu làng tôi, nơi có hai thân gạo sừng sững vươn những cành cây già nua như thách thức cái rét đến cắt da cắt thịt mới sáng ra đã đông nghịt người xem trai tráng tát ao làng. Chuyện mua cá đã được cha tôi bàn tính từ ngày hôm trước. Các bậc bô lão trong làng truyền lại, ao làng tôi có tổ cá lâu đời, trai làng vây cá lớn khổ như… đấu vật. Loại cá cha thường chọn cho món ăn ngày sum họp thường là cá trắm đen. Khi phần lưng dài ngót cả thước, đen mẫm của loài “thủy quái” này vừa trồi lên khỏi lớp bùn, cháu chắt đã hò reo, chạy rẽ đất về gọi người lớn ra vác cá.

Cha tôi ngồi giữa phản, thong thả nhấp ngụm trà mạn sóng sánh trong chén hạt mít rồi chậm rãi giải thích: “Cá còn hơi bùn, nhà mình mang về phải thả vào chum nước mưa, các con đi chơi chợ nhớ mua thêm cân ốc để nuôi cá, một vài ngày nữa mới tính chuyện”. Đêm đến, từ chum sành, tiếng cá ăn ốc lạo xạo trong nước.

Ngày cha “tính chuyện” con cá thật sự là ngày hội của gia đình tôi. Đám đàn bà con gái ngồi mé bể nước, tay nhặt rau sống, miệng râm ran trò chuyện. Đàn ông trong nhà ngả dao thớt mổ bụng cá. Riêng khoản gia vị để nhồi cùng lá thơm vào bụng cá phải đích thân cha tôi làm gồm muối hột, tiêu trắng rang và một vài loại hạt thuộc về “bí kíp”. Tất cả được cho vào cối giã thành bột mịn. Chiếc chảo gang cỡ lớn đã bày biện giữa sân, mẹ tôi khéo léo rải sẵn một lớp rơm nếp còn thoảng mùi mùa vụ. Tấm lá chuối loại bánh tẻ xanh mướt, lành lặn đặt cẩn thận phía trên làm “áo” cho cá. Xong xuôi, thêm một lớp “áo” nữa rồi mẹ lại trải rơm nếp và úp vung gang. Để kín hơi, cha không quên dặn con cháu vít đất sét vào vòng tròn tiếp giáp nắp chảo. Cha bảo, mọi công đoạn phải thật chuẩn, gia vị đầy đủ, cá đặt ngay ngắn kẻo khi vít đất sét lại xem như sự đã rồi. Khi con gái, con dâu trong nhà lo chế biến bộ lòng cá, tẩm ướp, xào nấu thơm lừng cũng là lúc cha và con trai, con rể đã rửa tay nước lá bưởi, ngồi uống trà, trò chuyện ở bộ bàn ghế được kê ngay ngắn giữa sân nhà. Trẻ con lớn bé thay nhau canh lửa, má căng mịn, ửng hồng. Cá được nướng bằng rơm nếp, lửa bập bùng cháy đều chung quanh chảo gang.

Chảo cá nướng được canh đủ chục giờ đồng hồ. Giữa quãng thời gian ấy, có một lần mở ra lật cá để cá chín đều. Trắm đen nướng đủ thời gian còn được ủ tro rơm đến khi tro chỉ còn hơi ấm. Một con cá đạt chuẩn, vừa ý cha tôi phải còn nguyên vẹn hình dáng, không trầy vi tróc vẩy, lớp ngoài ám vàng và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Cá nhấc khỏi chảo gang được đặt trong chiếc nia đã trải lá chuối khô.

Cá trắm đen nướng dưới bàn tay khéo léo của dâu con trong nhà được gỡ ra từng thớ thịt chắc nịch, trắng phau. Một chiếc chảo gang cỡ lớn khác được chọn để om cá rau cần. Trên bếp củi than, hành mỡ sôi lèo xèo, từng bát thịt cá đã gỡ và rau cần được xào thơm, châm thêm nước dùng, gia vị cho sôi lần nữa. Thời gian om cá cần được canh chừng sao cho cá nướng, rau cần và gia vị đủ quyện vào nhau mà rau chín tới, không bị nồng. Trẻ nhỏ trong nhà đã xôn xao ngả chiếu, bày mâm bát và chào mời người lớn. Đúng đoạn đĩa rau thơm cuối cùng mơn mởn trên mâm thì các bát tô cỡ lớn đựng món ăn đoàn tụ theo truyền thống gia đình tôi mới đưa lên bày chính giữa.

Có lẽ, trong ký ức của tôi, không món ăn nào lan tỏa ra sức quyến rũ khó cưỡng như cá nướng om rau cần mỗi độ Tết đến, xuân về ngun ngút tỏa hương. Mới qua ngày đưa ông Táo chầu trời nhưng món ăn đoàn tụ của cha tôi đã mang Tết đến gần trong gang tấc. Bữa cơm quây quần, mẹ tôi mở chuyện lên chùa trẩy lộc, trẻ con khoe nhau những niềm vui thơ dại, con gái, con dâu rôm rả chuyện gần xa, con trai, con rể nâng chén rượu nồng.

Cha tôi gật gù, im lặng nhìn tất cả…