Dấu chân bất tử

Tôi đến thăm khu Nhà tưởng niệm Mahatma Gandhi - vị lãnh tụ được người dân Ấn Độ tôn vinh là “Linh hồn lớn” trong chuyến đi đến New Delhi những ngày cuối năm 2015. Điều ấn tượng nhất tại đây là dấu chân M.Gandhi được tạc nổi từ phòng ở đến nơi thờ tụng. Những dấu chân bất tử không chỉ vì được tạc tượng, mà còn bởi tư tưởng hòa bình của ông vẫn đang tiếp nối trong dòng chảy cuộc sống hôm nay.

Chân dung Mahatma Gandhi.
Chân dung Mahatma Gandhi.

Mahatma Gandhi sinh ngày 2-10-1869 trong một gia đình Ấn Độ giáo ở bang Gujarat. Từ một chàng trai trẻ rụt rè trước đám đông, ông trở thành lãnh tụ đấu tranh cách mạng nổi tiếng thế giới, sau khi chứng kiến cảnh người Ấn Độ bị phân biệt đối xử thậm tệ và bị đàn áp dã man.

Anh Ajidalatakh, hướng dẫn viên du lịch tại Nhà tưởng niệm M.Gandhi cho biết, M.Gandhi lấy vợ năm 13 tuổi và 5 năm sau khi lập gia đình, ông vào học tại Học viện Samaldas ở Bhavnagar, rồi sang Anh du học. Sau đó, ông trở về Ấn Độ một thời gian rồi tới Nam Phi làm việc. Tại đây, bất bình trước nạn phân biệt chủng tộc với người Ấn, ông thành lập Hội nghị Ấn Độ tại Natal (Nam Phi), tổ chức các phong trào đấu tranh vì quyền lợi người Ấn.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, M. Gandhi trở về Ấn Độ tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh rộng lớn chống thực dân Anh. Tháng 4-1920, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp tự trị toàn Ấn Độ; một năm sau đó được trao quyền chấp hành trong đảng Quốc đại. Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, nhiều hy sinh của M.Gandhi và các cộng sự, sau chiến tranh thế giới thứ 2, Ấn Độ được trao trả độc lập.

Lãnh đạo các phong trào đấu tranh, M.Gandhi đã được hàng triệu người dân tôn kính gọi là Bapu (Cha già dân tộc), là “Mahatma” (nghĩa là Linh hồn lớn; Vĩ nhân). Chị Kanan Dhru, một thành viên người Ấn Độ trong đoàn công tác của chúng tôi giải thích rằng, đây là một từ tiếng Phạn và danh hiệu “Mahatma” được nhà thơ Targo - tác giả “Thơ Dâng” nổi tiếng, từng đoạt giải Nobel Văn học - dùng lần đầu khi đón chào Gandhi tại Mumbai năm 1915. Ngày nay, danh hiệu này được dùng phổ biến đến mức ít người nhớ tên thật của ông là Mohandas Gandhi.

Ngày 30-1-1948, trên đường đến nơi thờ tụng trong khuôn viên khu nhà Birla ở New Delhi, Gandhi bị N. Godse, một môn đồ Ấn giáo cực đoan, bắn chết. Ngày nay, nơi Gandhi bị sát hại, cũng là nơi ông sống 144 ngày cuối đời, được xây dựng thành Nhà tưởng niệm. Điểm đáng chú ý nhất trong khu tưởng niệm này chính là hành lang tạc nổi những bước chân của M.Gandhi trước khi ông bị sát hại. Hai bên hành lang theo dấu chân M.Gandhi còn ghi nhiều danh ngôn của ông bằng tiếng Anh và tiếng Hindu.

Một điểm nhấn khác của khu tưởng niệm là căn phòng M.Gandhi từng ở. Thăm căn phòng, mọi du khách đều cảm động bởi nơi ở của nhà lãnh đạo lớn này vô cùng giản dị với một căn phòng chừng 30 m2, một chiếc giường nhỏ, bàn làm việc và những vật dụng chẳng khác gì của thường dân. Nhìn căn phòng đơn sơ của ông, tôi có cảm giác thân quen như đang thăm nhà sàn của Bác Hồ ở Hà Nội…

Dấu chân bất tử ảnh 1

Du khách bên chiếc Chiêng hòa bình thế giới trong khu tưởng niệm.

Gandhi vĩ đại không phải bởi chức vụ ông từng nắm giữ, mà bởi sự giản dị và tư tưởng hòa bình vĩ đại. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối các hình thức khủng bố bạo lực. Nguyên lý được ông đề xướng ảnh hưởng tích cực đến các phong trào đấu tranh hòa bình trên thế giới. Bởi thế, ngày sinh của ông, 2-10 được LHQ chọn là Ngày Quốc tế Bất bạo động.

Ở Ấn Độ, nhiều thập niên qua, tư tưởng hòa bình, bình đẳng, bác ái của M.Gandhi tiếp tục được các chính đảng kế thừa, phát huy. Đến thăm trụ sở của Đảng Quốc đại tại New Delhi, chúng tôi được lãnh đạo đảng giới thiệu cương lĩnh, chính sách của đảng và được biết, đảng này được lòng dân nhờ những chính sách phát triển hài hòa, giúp người nghèo, tạo việc làm ở nông thôn... Trên thế giới, phong trào đòi dân quyền, bình đẳng của Martin Luther King ở Mỹ, của Nelson Mandela ở Nam Phi, đã phần nào chịu ảnh hưởng tư tưởng của Gandhi.

Chúng tôi rời nhà tưởng niệm M. Gandhi trong nuối tiếc bởi còn chưa khám phá hết tầng hai của tòa nhà - nơi các hình ảnh về M.Gandhi và lịch sử, văn hóa Ấn Độ được triển lãm bằng công nghệ số độc đáo. Nhưng, M. Gandhi cùng dấu chân và những câu danh ngôn để đời của ông đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về văn hóa, con người Ấn Độ. Câu danh ngôn mà tôi nhớ nhất là lời nguyện của M.Gandhi: “Tôi cầu nguyện cho ánh sáng xua đi bóng tối. Hãy để những người có niềm tin sống không bạo lực, được tham gia cùng tôi trong tiếng nguyện cầu”.

Với tôi, lời nguyện này cũng giản dị, gần gũi, giống tư tưởng nhân văn, yêu chuộng hòa bình của các danh nhân Việt Nam như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… vậy.

Dấu chân bất tử ảnh 2

Những dấu chân của Mahatma Gandhi.