Những “sứ giả” nghệ thuật

Từng nỗ lực của một số cá nhân đã đem đến những mầu vẻ mới cho đời sống văn nghệ. Và nhiều cố gắng của những người đẩy bánh xe quảng bá, giao lưu nghệ thuật cả cũ lẫn mới, lại kết nối thêm bạn bè cho các chuyển động văn chương, nghệ thuật từ trong nước ra ngoài, từ quốc tế vào Việt Nam.

Nghệ sĩ Andy Davis tại Mường Studio tháng 12-2014. Ảnh: Mường Studio cung cấp
Nghệ sĩ Andy Davis tại Mường Studio tháng 12-2014. Ảnh: Mường Studio cung cấp

Mạnh dạn đứng ra tổ chức chương trình lưu trú cho nghệ sĩ, nhẩm đếm ra còn quá hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay. Tất nhiên là ở góc độ tư nhân, tự thân vận động, chứ không phải các trại sáng tác hoặc chương trình hợp tác sáng tạo của hội nghề nghiệp hay các bộ, ngành, được hỗ trợ từ ngân sách. Một trong vài địa chỉ quá hiếm đó, dù khá mới, nhưng đang trở thành điểm đến được chú ý, chính là Mường Studio tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Không quá xa Hà Nội, nhưng thành phố nhỏ Hòa Bình cũng chưa từng có tiền lệ trong việc tổ chức, kiến tạo không gian làm việc cho nghệ sĩ nước ngoài. Nhất là tình trạng khan hiếm họa phẩm, phương tiện, nguyên liệu mỹ thuật ở đây vẫn… kéo dài, không mấy ủng hộ cho mục tiêu đó. Nhưng ở một góc khiêm tốn của thành phố, bảo tàng tư nhân này trong gần một năm qua, đã thành lựa chọn của nhiều nghệ sĩ đến từ nhiều nước.

Không cần nhắc lại nhiều, một số chương trình sáng tác, tọa đàm nghệ thuật tại đây với những quãng thời gian quy tụ đến hàng chục, thậm chí hàng 60-70 nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài, đã gây tiếng vang trong giới nghề và dư luận văn hóa mấy năm qua. Tiền đề tốt đẹp này cho họa sĩ - Giám đốc Vũ Đức Hiếu cùng cộng sự lòng tin và kinh nghiệm để mở mô hình lưu trú sáng tác thường xuyên trong hoàn cảnh kinh phí… không hề ủng hộ. Chưa kể vụ cháy nhà Lang gây thiệt hại lớn. Nhưng vừa làm, vừa học, đất Mường đã đón Andy Davis, Tor Arches, Asherah Cinnamon và Rebecca Rau… từ Mỹ; Burkhard Beins từ Đức; và George Burchett - Australia; Marie Cabirou của CH Pháp; Caterina Moroon - Italia; Johan Halbeg - nghệ sĩ Thụy Điển; Virgine Faivred’Arcier từ Bỉ sang... Mường Studio tiếp tục chương trình và đã nhận được đăng ký của nhiều nghệ sĩ quốc tế khác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn hiện công tác tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật. Anh hợp tác với bảo tàng trong việc điều phối hoạt động của Mường Studio. Tuấn cũng là thành viên ACCA Việt - nhóm curator độc lập tại Hà Nội. Và chính ACCA Việt cũng là “xương sống” trong việc kết nối cuộc hợp tác nửa năm giữa nghệ sĩ Mỹ Mark Cooper nổi tiếng với các nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam, khép lại bằng triển lãm “Yu Yu Việt Nam xanh” độc đáo cuối 2015, đầu 2016 vừa rồi. Tuấn cho biết, thư giới thiệu, thư mời của chúng tôi đã được đáp lời từ nhiều đất nước, nhiều nghệ sĩ đã tìm hiểu và tìm đến với “Mường”. Trong gần một năm qua, tại đây hầu như luôn có nghệ sĩ đang sáng tác, vẽ tranh, nặn tượng, điêu khắc gỗ, làm gốm, sắp đặt... Mọi người rất thích không gian thiên nhiên và bằng lòng những điều kiện phục vụ mà chúng tôi cung cấp.

Từ các hoạt động của văn nghệ sĩ Việt Nam đi giao lưu, sáng tác, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp ở nước ngoài, trong những chương trình phần lớn do các hội, bộ, ngành tổ chức, liên hệ đến việc cá nhân các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu chủ động hội nhập ngay từ trong nước, có thể thấy những tín hiệu mới thú vị và gợi mở. Cũng với sự chủ động đó, có thể kể đến một dự án thơ ca hoàn thành trong năm qua khá độc đáo, viết về những người cô/dì trong gia đình, có sự góp mặt chung của các nhà thơ Mỹ - Việt Nam. Một loạt nhà thơ Việt Nam từ “lớp già” như Nguyễn Đức Mậu, Thạch Quỳ, Trần Quang Quý, Võ Quê, đến “lứa trẻ” của Nguyệt Phạm, Lữ Thị Mai… đã cùng với những nhà thơ Mỹ, in bài thơ của mình về chủ đề trên tại Prairie Schooner, tạp chí văn học hàng đầu của Mỹ, có gần 90 năm phát triển. Góp sức vào thực hiện dự án này, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã chuyển đến các nhà thơ, dịch giả tại Mỹ nhiều bài thơ từ Việt Nam do chị liên hệ trực tiếp với tác giả. Quế Mai cho biết: Dịch giả Thúy Đình và Thiếu Khanh đã làm việc miệt mài trong nhiều tháng trời để chuyển ngữ các bài thơ. Tôi đã học hỏi rất nhiều khi làm việc cùng giáo sư Kwame Dawes - một nhà thơ danh tiếng của Mỹ - để chuyển ngữ một số bài thơ còn lại.

Đã có nhiều tác giả, tác phẩm văn học giữa hai nước được chuyển ngữ Anh, Việt để công chúng mỗi nước đón nhận. Nhưng như chia sẻ của Quế Mai thì thật vui khi lần đầu các nhà thơ Việt Nam xuất hiện cùng các nhà thơ Mỹ trong một dự án thi ca viết về “cô/dì”, những người phụ nữ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của chúng ta nhưng hình ảnh của họ rất ít được xuất hiện từ trước đến nay trong thi ca.

Có thể nhận ra trong không ít những cá nhân người Việt Nam nhiệt thành, trên hành trình tự kiến tạo những cơ hội mới cho nghệ thuật, văn chương, văn nghệ sĩ Việt trong cuộc gặp gỡ và “thuyết phục ngọt ngào” với công chúng ở ngoài đất nước, hoặc “mở đường” cho nghệ sĩ, khán giả nước ngoài đến Việt Nam hay đang ở Việt Nam. Đó là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nhất Lý, một trong những thành phần sáng tạo của “Chuyện làng tôi”, “À ố show” gây ngạc nhiên cho công chúng với xiếc Việt Nam. Là những nghệ sĩ xuất thân từ cổ nhạc như Kim Ngọc, Thanh Thủy…, nhưng kiến tạo nên những cuộc hội ngộ nhạc đương đại cho nghệ sĩ trong và ngoài nước. Đó còn là Đàm Quang Minh với cuộc sống ở cả hai nước Pháp - Việt Nam. Anh Minh, một người Hà Nội gốc, sành ca trù, trung thành với cổ nhạc dân tộc suốt nhiều chục năm. Anh không thích nói về những đóng góp có tính… hậu trường của mình những chuyến xuất ngoại nhóm mấy năm qua. Mà những cuộc đó, người đàn, hát, trống… là những kỳ cựu như Xuân Hoạch, Đoàn Thanh Bình, Vũ Ngọc…, mỗi lần diễn lại được khán giả nước ngoài hưởng ứng nhiệt liệt.

Có thể mang nhiều mục tiêu trong một hành động, sáng tạo, giao lưu, quảng bá, và cả quyền lợi chính đáng khi nghệ thuật cổ truyền Việt Nam chất lượng cao hay nghệ thuật thể nghiệm trở nên hàng hóa tinh túy. Những “sứ giả” tích cực đóng góp tự thân như thế, người ta có thể gặp ở nhiều nơi và tôn trọng họ.