Giấy dó với cuộc sống hiện đại

“Mình nghĩ việc đầu tiên là để mọi người biết về sự tồn tại của một loại giấy đã có mấy trăm năm nay bằng cách làm những vật nhỏ xinh, khiến mọi người thấy thích thú, từ đó họ sẽ biết thêm về giấy dó. Khi mọi người hiểu giá trị thì việc khơi dậy tình yêu của mọi người với truyền thống văn hóa cũng không quá khó khăn. Có như thế, truyền thống sẽ được duy trì theo một cách giản dị và bền vững hơn”, Trần Hồng Nhung, Giám đốc Zó Project chia sẻ.

Một sản phẩm của Zó Project.
Một sản phẩm của Zó Project.

Lần đầu tiên Nhung để ý đến giấy dó là năm 2009, khi một người bạn là Việt kiều từ Đức về nước bày tỏ mong muốn tìm hiểu về thư pháp cũng như văn hóa cho chữ của người Việt. Lang thang tìm hiểu về thư pháp, mực Tàu, giấy dó… cùng một người bạn sống xa quê hương, chị thấy có chút băn khoăn, rằng có phải những người thường phải đi xa quê, trở về cội nguồn thường tìm về những giá trị truyền thống, họ cố công tìm vì thấy nó đẹp, rất có giá trị chứ bản thân những người hằng ngày sống trong không gian ấy có khi lại luôn có cảm giác mơ hồ, không thấy những giá trị ấy đẹp. Thậm chí, nhiều giá trị mất đi nhưng họ cũng không biết.

Trong hành trình khơi lại mạch ngầm văn hóa đó, nhóm bạn trẻ đã bắt đầu từ việc tìm hiểu chất liệu giấy dó, nhưng về làng nghề truyền thống làm giấy ở Bắc Ninh hay Hòa Bình thì đều thấy chỉ còn một, hai hộ gia đình làm. Đó không còn là mặt hàng sản xuất thường xuyên của làng. Sau ba năm cứ đi về kết nối những “ông đồ” viết thư pháp giỏi với dự án của người bạn, Trần Hồng Nhung rút khỏi dự án để tập trung vào công việc. Nhưng câu chuyện về giấy dó vẫn luôn ám ảnh, canh cánh bên lòng. Chị lại quay ra tự mày mò, tìm hiểu thêm về lịch sử cũng như tính chất, công dụng của giấy và lên ý tưởng với một dự án bảo tồn giấy dó. Năm 2013, chị tìm đến Tổ chức Sống và Học tập vì cộng đồng (Live&Learn) - “bà đỡ” cho các dự án môi trường, cộng đồng dành cho giới trẻ. Tại đây, chị chia sẻ ý tưởng về một chương trình đưa giấy dó đến với cộng đồng một cách sâu và rộng, tìm ra thế hệ kế cận tâm huyết để cùng chia sẻ thông điệp không được quay lưng lại với truyền thống.

Từ những ý tưởng ban đầu đó, Trần Hồng Nhung đã tìm được hai người bạn cùng đam mê, trong đó có một họa sĩ mong mỏi được sáng tạo từ văn hóa truyền thống và một bạn trẻ say mê làm đồ thủ công. Bộ ba “ý tưởng, thiết kế, thực hành” đã bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật này và nhận ra nguyên nhân của sự vắng bóng giấy dó bởi nó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Với những thành viên của Zó Project, giấy dó mang tính đại diện cho những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tốt đẹp. Từ mồ hôi, công sức của bao người mới làm nên được một tờ giấy dai, xốp, bền lâu. Tờ giấy luôn đồng hành cùng lịch sử, lưu lại trên đó nào là những tấm sắc phong, những bản chép sử, bức thư pháp, tới những bức họa làng quê yên bình trong tranh dân gian… Giấy dó là một vật hữu hình, nhưng lại mang những giá trị vô hình, giống như loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể với lý do nằm ở kỹ thuật làm washi, sự độc đáo, khác biệt riêng có, sự tinh tế của nghệ nhân đã nâng tầm văn hóa cho những tờ giấy tưởng chừng vô tri.

Zó Project ra đời vào thời điểm ấy, khoảng tháng 6-2013 với mục tiêu đưa giấy dó nhập cuộc với cuộc sống hiện đại một cách tự nhiên. Qua giấy dó thì sẽ gìn giữ được văn hóa, là cái hay, cái đẹp của cha ông chứ không để mọi thứ chỉ còn trong những ký ức, câu chuyện về ngày xưa xa xôi. Cùng với sự ra đời của Zó Project là những cuốn sổ, tấm thiệp, bưu thiếp, bức thư pháp nhỏ xinh… được làm từ giấy dó, để mọi người có thể nhìn thấy, chạm tay vào giấy dó, biết được những ứng dụng mới từ loại giấy vốn mặc định trong đầu mọi người là loại chỉ để làm tranh. Zó Project còn thực hiện các triển lãm, chương trình trải nghiệm, trò chuyện về giấy dó… để cho công chúng được biết nhiều hơn đến giấy dó và những sản phẩm độc đáo của loại sản phẩm này.

Sau hai năm kinh doanh, Zó Project đã có được những sản phẩm độc đáo, thú vị, đầy sáng tạo, mang thương hiệu và dấu ấn riêng của doanh nghiệp. Xưởng của Zó lúc nào cũng tất bật, người đến thiết kế mẫu, người làm sản phẩm, trong đó có nhiều bạn trẻ từ các nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ… đã tình nguyện làm việc cùng Zó trong ba, bốn tháng để có thể thiết kế được các sản phẩm làm từ giấy dó. Đến nay, các sản phẩm của Zó đã xuất hiện tại Hà Nội, trên những con phố lớn trong phố cổ như Hàng Gai, Hàng Trống, gian hàng trưng bày sản phẩm tại sân bay Nội Bài, tại Huế, Hội An (Quảng Nam) và TP Hồ Chí Minh. Zó Project bán những sản phẩm như đèn lồng Trung thu, đèn trang trí, lịch để bàn và lịch treo tường, phong bao lì xì cho Tết Nguyên đán, ốp điện thoại làm từ giấy dó cho các bạn trẻ…, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, tăng thêm tính ứng dụng cho giấy dó, cũng là nguồn động viên cho những người làng nghề làm giấy dó tại Bắc Ninh, Hòa Bình tiếp tục giữ nghề truyền thống.

Điều mà các thành viên của Zó tâm huyết nhất là phát triển các dòng sản phẩm quà tặng mang thương hiệu Việt Nam, được sản xuất bởi những bàn tay khéo léo của người Việt, với nguyên liệu từ giấy dó, có thêm những thiết kế, đường nét tới hình ảnh… đều mang dấu ấn Việt để du khách nước ngoài có một món quà “made in Vietnam” thật sự mang về nước. Điều này cũng lấp đi khoảng trống thiếu vắng những món quà thuần Việt tại các cửa hàng lưu niệm, các trung tâm du lịch lớn của nước ta.