Những tiếng rì rầm của lịch sử

Nhà văn người Anh S.Smith đã từng nói: “Không đồ trang trí nào hấp dẫn bằng sách, dù bạn không hề lôi nó ra, không hề đọc lấy một chữ”. Trên thế giới, thú chơi sách có từ rất lâu rồi, còn ở Việt Nam chơi sách chỉ xuất hiện cùng với sự ra đời của chữ Quốc ngữ và ngành công nghiệp in ấn…

Thú chơi sách cũng lắm công phu. Ảnh: Minh Lê
Thú chơi sách cũng lắm công phu. Ảnh: Minh Lê

Trong thế giới kỳ ảo của những kẻ si tình

Học giả Vương Hồng Sển không chỉ là nhà sưu tập sách nổi tiếng mà ông còn là tác giả cuốn sách khảo cứu có tên gọi “Thú chơi sách” với các quy tắc, chuẩn mực về thú chơi được coi là đệ nhất phong lưu này. Cuốn sách này được coi là cuốn “thánh kinh” của dân nghiền sách trong nam ngoài bắc. Ông từng nói “Trong cái mê sách có ẩn cái si tình”. Những kẻ si tình với sách không phân biệt học thức, địa vị, giới tính, nghề nghiệp. Họ có thể là nhà nghiên cứu, bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhưng cũng có thể là anh kỹ sư, luật sư, dân kinh doanh, thậm chí là anh thợ hồ hoặc một kẻ không nghề nghiệp. Họ có muôn vàn lý do đến với sách. Dường như trong tâm khảm của dân nghiền sách đều luôn khắc khoải hoài niệm về quá khứ, bởi vậy họ coi sách cũ như người bạn tri âm, tri kỷ. Khi được hỏi về lý do tìm đến sách báo cũ, P - một nhà sưu tập báo cổ ở Hà Nội đã tâm sự: “Tôi yêu sách cũ cũng bởi tiếng rì rầm của lịch sử lắng đọng trên chất liệu giấy in, cách sắp xếp các con chữ, mẩu giấy “đính chính” khiêm nhường mà tự trọng. Tôi yêu sách cũ không chỉ bởi những họa phẩm mộc mạc mà tuyệt đẹp trên bìa sách, mà còn là có cảm giác như cầm quá khứ của ai đó trên tay. Và chừng đó thôi cũng khiến tôi đắm chìm trong tình yêu với sách”.

Qua thời gian thú chơi sách dần biến đổi. Đã xuất hiện nhiều hơn phong cách chơi mới bên cạnh những chuẩn mực được coi là “khuôn vàng thước ngọc” mà học giả họ Vương khởi xướng. Người chơi sách theo vốn hiểu biết, sở thích đã chọn cho mình những cách chơi riêng. Có người thích tìm kiếm cuốn sách cổ, càng xưa càng tốt. Đặc biệt là những cuốn sách theo chân các giáo sĩ người Pháp trong buổi đầu của chữ Quốc ngữ. Đó là những cuốn sách siêu cổ, siêu quý (mà dân chơi sách gọi là “hiểm”) như: Từ điển Taberd (Annamiticum Latinum Dictionarium và Latinum Annamiticum Dictionarium) in năm 1838, đây là cuốn từ điển do Đức cha Bá Đa Lộc biên soạn và truyền lại cho Đức cha Taberd; Lịch sử Đàng Ngoài (Tuchinensis Historiare Libri Duo, Lion - 1652) và Hành trình truyền giáo (Drivers voyages et missions, Paris - 1653) của giáo sĩ Alexandre de Rhode. Ngoài ra, một trong những cuốn sách cũng liệt vào dòng quý hiếm là cuốn Đại Nam Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của in lần đầu năm 1895 hoặc các cuốn sách của Pétrus Trương Vĩnh Ký như Truyện đời xưa, Kim Vân Kiều truyện (1875), Lục vân tiên truyện (1901). Nét hấp dẫn của những cuốn sách giai đoạn này ngoài sự quý hiếm về niên đại và giá trị nội dung, còn có điểm hấp dẫn đặc biệt về ngôn ngữ và văn phong trong giai đoạn đầu của chữ Quốc ngữ.

Nhưng có mấy ai “gặp duyên” để sở hữu những cuốn sách cực kỳ quý hiếm này. Bởi vậy nhiều người đã chọn cho mình sở thích sưu tập riêng. Có người đam mê sưu tầm thủ bút, bản thảo của các nhà văn, nhà thơ, kẻ thì thích sưu tập các ấn bản Kiều, người thì mê sách đẹp, bìa da gáy gân. Trong giới chơi sách, nhà báo Y.B được mệnh danh là “Vua ba nước” bởi sở thích sưu tập các bản dịch Tam Quốc diễn nghĩa. Mấy chục năm lặn lội tìm kiếm, anh đã sở hữu cho mình bộ sưu tập Tam Quốc đồ sộ, kể từ bản dịch đầu tiên được in thành sách của Nguyễn Liên Phóng năm 1907 cho đến bản dịch của cụ Cử Phan Kế Bính năm 1909. Một lần chậm chân mua hụt mấy tập lẻ của bộ Tam Quốc diễn nghĩa 1907, “ông vua Tam quốc” này đấm ngực nghẹn ngào mất mấy hôm. Nghe đâu các tập lẻ này từ giá ban đầu là ba triệu đồng, qua vài lần chuyển nhượng đã lên tới giá 60 triệu đồng. Tuy nhiên, bản dịch được đánh giá hay nhất và được săn lùng nhiều nhất phải kể đến bộ Tam Quốc 13 tập của NXB Phổ Thông năm 1959 do cụ Bùi Kỷ hiệu đính.

Trong thế giới của người chơi sách, có những điều hết sức kỳ lạ mà người khác không thể nào hiểu nổi. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy họ nhịn ăn tiêu dành tiền mua sách rồi mang về nhà cất kỹ trong tủ, thỉnh thoảng mới mở ra phủi bụi, vuốt ve âu yếm như tình nhân. Những kẻ si tình này có thể là những gã bần hàn trong cuộc sống nhưng lại là “tỷ phú” về sách. Họ đối với sách lúc nào cũng “tương kính như tân” không chút lơi là. Cứ xem cách họ nhẹ nhàng vuốt mép nhăn hoặc âu yếm lau bụi trên bìa sách thì hiểu sách không chỉ là bạn mà còn là cái gì đó lớn hơn, thiêng liêng hơn. Dường như sách là tình nhân, sách là một phần thân thể của mình vậy.

Giới chơi sách, kỵ nhất chuyện mượn sách. Bởi vậy bạn đừng nên mở lời mượn sách nếu như không muốn mối quan hệ bị sứt mẻ. Nhà văn Ngọc Giao kể rằng, nhà văn chuyên viết truyện lịch sử Lan Khai có thú chơi bản thảo kỳ dị. Để tránh bạn bè hỏi mượn sách ông đã viết tấm bảng nhỏ treo tủ sách: “Có thể mượn vợ. Không mượn sách”. Có thể với nhiều người, dân chơi sách là những người rất “khoảnh”, nhưng mấy ai biết rằng họ sẵn sàng tặng sách cho người có tâm hồn đồng điệu.

Chuyện mua sách cũng nhiều điều thú vị. Những chủ hàng sách tuy không hiểu biết nhiều nhưng rất khôn ngoan định giá một cuốn sách. Cách đơn giản nhất là xem dân chơi sách mua cuốn nào thì “tố” giá cuốn đó cao ngất ngưởng. Tội nghiệp. Dân chơi sách trở thành nạn nhân của chính mình. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Dân chơi sách luôn nghĩ ra cách để mua được sách hay mà giá rẻ. Nhiều chủ cửa hàng cực kỳ hoang mang khi thấy trong lô sách chọn mua lại có những cuốn chẳng chút giá trị sưu tầm như “Kỹ thuật nuôi lợn” hay “Luyện thi đại học”. Nhờ chiêu “tung hỏa mù” này mà giá mua sách giảm đi rất nhiều.

Buồn vui chuyện sách

Người ta thường nói, trên đời có ba cái cũ mà quý đó là bạn xưa, sách cũ và rượu lâu năm. Thật tuyệt vời khi gặp tri kỷ bên chén rượu nồng bàn luận về sách. Tuy nhiên, sự đời không dễ dàng như vậy, có lúc chỉ vì sách mà tình bạn bị sứt mẻ thậm chí “block” nhau. Muôn sự cũng bởi vì tranh “hàng” (giới chơi sách dùng để chỉ một lô sách). Những “sân, si” trong việc sở hữu sách quý đã lấn át tình bạn. Chuyện đó cũng không phải hiếm trong giới chơi sách.

Thật may là sách mang đến niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Ông Phan Trác Cảnh là nhà sưu tập sách kỳ cựu ở Hà Nội. Ngôi nhà trùng trùng những sách này đã cung cấp tư liệu cho biết bao công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ. Ở tuổi 80, ông vẫn cặm cụi bên những trang sách nhuốm mầu thời gian. Ông tâm sự: “Giờ sức yếu rồi, nhiều lúc muốn nghỉ lắm nhưng không đành. Tôi không tưởng tượng được một sớm tỉnh dậy không còn thấy sách nữa”. Ông đưa cuốn sách có lời đề tặng tha thiết của Giáo sư người Nhật Bản Takao: “Ông không có quyền nghỉ hưu, ông chưa được chết, để còn giữ nhà sách này cho đến khi tìm được người xứng đáng nhận lại nó”. Ông cười mà mắt đỏ hoe.

Thật đáng mừng gần đây văn hóa đọc truyền thống đang có dấu hiệu khôi phục trở lại. Phong trào mua sách cũ và sưu tập sách báo đang phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ. Điều này khiến những người sưu tầm sách như được tiếp thêm động lực. Tuy nhiên, theo các nhà sưu tầm thì con đường sưu tầm chuyên nghiệp không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ và một tình yêu với sách không bao giờ tắt.

Xin mượn lời nhà sưu tập sách Phan Trác Cảnh để kết thúc bài viết này: “Dường như sách cũng có linh hồn. Nó biết tìm đến ai yêu nó và người yêu nó sẽ tìm đến với nó”.