Mất vài năm trời kể từ khi bắt đầu nghiên cứu công nghệ HHO, thử nghiệm đủ các hướng mới tìm ra được một sản phẩm có thể thương mại hóa được là máy vệ sinh buồng đốt (VSBĐ) cho xe máy. Từ đó, chỉ cần một năm, máy đã có mặt ở các trạm sửa xe lớn miền bắc, miền trung, bước đầu nam tiến, phủ sóng các trạm Honda và các hãng xe tên tuổi, chuẩn bị xuất khẩu.
Anh Đào Công Bình, Công ty Ban Mai, nhà phân phối khu vực phía nam, nhận xét: Về mặt công năng, máy VSBĐ do Việt Nam sản xuất có chất lượng tương đương máy ngoại, độ bền tốt hơn, ổn định hơn, giá rẻ hơn, nhưng ưu điểm lớn nhất là khi máy hỏng thì có thể sửa được nhanh chóng, chi phí và thời gian bảo trì bảo dưỡng thấp hơn so máy ngoại nhập. Trong các động cơ nói chung, xăng thường không cháy hết mà chỉ cháy được 80% do thiếu oxy, phần còn lại không những bỏ phí mà còn gây ra bám cặn. Công nghệ HHO dùng điện tách nước thành Hydro và Oxy là hai chất cháy tạo năng lượng, tức là tiêu hao năng lượng để tạo ra nguồn năng lượng lớn hơn. Nhiệt lượng này có thể lên tới 3.000 độ C, gấp bốn lần nhiệt lượng từ xăng trong buồng đốt động cơ thông thường, có thể hỗ trợ các nguồn năng lượng gốc carbon hiện tại như xăng dầu, than đá… Trong máy VSBĐ, nguồn nhiệt lớn sẽ làm muội than bám chắc mềm đi, còn trong bộ tiết kiệm xăng cho xe ô-tô, sự bổ sung khí oxy giúp lượng nhiên liệu dư cháy hết, cùng với sự tham gia của hỗn hợp khí hydro giúp động cơ trở nên mạnh mẽ hơn.
Vốn là những chàng trai kỹ thuật, từ Bách khoa, Giao thông, ngoài cái đinh, con ốc, gioăng, bo mạch… chưa bao giờ nghe qua tai những từ ngữ chuyên ngành kinh tế như nghiên cứu thị trường, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối, quản trị sản xuất một cách bài bản nên làm đâu vấp đấy là điều dễ hiểu. Ban đầu với mong muốn đem công nghệ điện phân nước vào thực tiễn, năm chàng trai nghĩ đến máy hàn cắt kim loại, sau khi thử nghiệm một thời gian mới nhận ra máy chưa đạt công suất mong muốn. Lật đật đổi sang nghiên cứu máy làm bóng mica, được một thời gian mới biết hàng Trung Quốc cực rẻ, không cạnh tranh được trong thị trường nhỏ hẹp. Lại đổi sang máy hàn vàng thì vấp phải bộ đạp xăng có mấy trăm nghìn.
Phạm Tuấn Anh, người nhận về mình mảng kinh doanh, thú nhận: Là người nghiên cứu, ra thị trường, phải vượt qua những e dè khi bản thân có quá nhiều điều chưa hiểu. Phải đến khi tình cờ đọc được trên một bản tin nước ngoài về ứng dụng mới của khí hydro nhóm mới chuyển sang làm máy VSBĐ. Khi đưa vào thử nghiệm, thấy xe bốc hơn, xăng tiêu thụ ít hơn, những người chế tạo mới tin vào sản phẩm mình làm ra. Tới lúc sản phẩm thử nghiệm xong, kiểm tra thấy hiệu quả rồi, lại loay hoay không biết nên tiếp cận khách hàng cuối - là những người thợ sửa xe, hay tìm nhà phân phối chuyên nghiệp.
Không chỉ gặp những khó khăn vì không có tri thức trong quản trị kinh doanh, ngay cả trong nghiên cứu nhóm cũng gặp nhiều trở ngại. Đừng tưởng chỉ có doanh nghiệp Nhật Bản mới than phiền về công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng khốn khổ tìm linh phụ kiện. Không có tiền, không mua được đồ là lẽ thường, nhưng có tiền cũng không có hàng để mua. Mặt hàng linh phụ kiện trong nước rất hiếm hoi, nhóm phải tự nghĩ cách “chế”. Tính toán lượng khí ra vừa đủ, không thừa làm giảm tuổi thọ buồng đốt, không thiếu làm giảm hiệu quả, là cả một vấn đề. Ban đầu không có công cụ kiểm tra hiệu quả mà chỉ làm bằng cảm nhận nên chưa có bằng chứng về hiệu quả máy, mất vài tháng tìm tòi mới biết dùng camera nội soi và máy đo vòng tua, máy đo tốc độ… Bình đựng dung dịch bằng nhựa, chỉ cần phôi nhựa và khuôn đúc là sản xuất được, cũng phải chờ đến khi lượng hàng đi vào ổn định, có thể đặt đơn đặt hàng lớn mới xác tín được nguồn cung cấp…
Khi công việc kinh doanh đã đi vào ổn định, các thành viên trong nhóm vẫn nhớ những ngày khởi nghiệp, ban ngày đi làm, buổi tối tập trung tại nhà riêng làm thí nghiệm, đi vay nợ để nghiên cứu ra mẫu hàng ban đầu. Sản phẩm máy VSBĐ chập chững ra đời được nhà phân phối là Công ty Hoàng Phú ứng trước tài chính lô hàng đầu nên đã dễ dàng triển khai thực tế. Lô đầu xấu mã, chỉ sau vài ngày dùng thử đã xuất hiện lỗi, lại thu hồi, lại sửa, lại xuất hàng, rồi lại lỗi, lại kiểm tra, đến khi hàng xuất đi tỉnh, linh kiện xộc xệch, dây nối bị bong, dung dịch bị trào… Thất bại! Nhà phân phối bắt dừng thử nghiệm ba tháng rồi mới quyết định tiếp, tâm lý nhóm hoang mang vì anh em hầu hết đã nghỉ việc để tập trung cho nghiên cứu. Nhiều tháng làm việc không lương trong áp lực cơm, áo, gạo, tiền. Nghĩ lại thời điểm khó khăn, Mai Trọng Khang, mới tốt nghiệp khoa Hóa Dược, Trường đại học Bách khoa, khẳng định phải đến thời điểm hiện tại mới dám tự hào là công ty đi đầu trong công nghệ HHO tại Việt Nam.
Sự thành công của nhóm không chỉ đến từ đam mê công nghệ, vì một sản phẩm của Việt Nam có thương mại hóa được, không chỉ cần những nhà sản xuất có tri thức và đam mê, cần lắm những nhà phân phối với tinh thần ủng hộ hàng Việt Nam. Nhiều dự án nghiên cứu khác đã thất bại khi không tìm được thị trường, không được sự chia sẻ định hướng kinh doanh từ nhà phân phối. Sự kết nối giữa nhà sản xuất - nghiên cứu và nhà phân phối - thương mại là một trong số những chìa khóa để phát triển khoa học ứng dụng. Mà khoa học ứng dụng phát triển chính là cái lõi tạo nên một nền kinh tế hùng mạnh. Công nghệ HHO, nếu được đầu tư đúng hướng, rất có thể trở thành một mũi nhọn trong ngành năng lượng của tương lai.