Vừa dẫn chúng tôi đi, Thủy - một chàng trai sinh ra, lớn lên ở chân núi Nhạn kể: ngày còn nhỏ tụi em thường lên núi Nhạn chơi, ở đây chim chóc nhiều vô kể, từ các loài chim núi đến các loài chim biển. Cứ mỗi độ xuân về, chim nhạn bay rợp cả ngọn tháp. Bởi thế nó mới mang tên núi Nhạn, tháp Nhạn. Và có lẽ cái “máu” chơi cây cảnh của em cũng xuất phát từ khu rừng này. Đây chị xem, ở đây có vô vàn các loài cây, các loài hoa không tên mà đẹp đến nhường kia. Nhìn theo tay Thủy, tôi bắt gặp một cây hoa cổ thụ mọc trên tảng đá lớn bên con đường từ dưới sông Đà Rằng đi lên sân tháp. Những cánh hoa đỏ nhỏ xíu đẹp một vẻ đẹp đến sửng sốt. Nhành hoa trở thành kiệt tác khi nó lay động khe khẽ làm tiền cảnh cho bức ảnh tháp Nhạn. Thủy bảo: hồi kháng chiến, Mỹ - ngụy đặt nhiều trọng pháo trên núi, đêm ngày nã đạn về căn cứ núi Chóp Chài, núi Ễn - hai ngọn núi sinh ra từ huyền thoại về một người khổng lồ nhổ một cây cao chọc trời, gánh hai ngọn núi để trang trí cho biển. Gánh đến vùng biển Phú Hòa thì bị gãy đòn gánh. Ông giận quá giậm chân, dấu vết là bầu nước miên man giữa hai ngọn núi kia.
Dòng sông Đà Rằng lượn dưới chân núi Nhạn đổ ra cửa sông, bồi lên một bãi cát mềm mại nơi giữa núi - sông - biển gặp nhau… Ngày chớm thu ở núi Nhạn, mưa lất phất bay, núi - sông - biển cứ như đang tìm nhau trong cuộc tìm kiếm vô tiền khoáng hậu…
Tháp Nhạn đứng bất động trên ngọn núi Nhạn giữa những chuyển động không ngừng suốt chiều dài lịch sử hơn ngàn năm qua.Vẻ đẹp huyền bí của nó không chỉ là biểu tượng của Phú Yên mà còn hun đúc sức tồn vong và sức bật cho mỗi con người từng sinh ra, lớn lên ở vùng đất này. Từ góc nhìn hướng đông của tháp Nhạn, ngày ngày mặt trời đi tới từ đường phân thủy, mang nắng, mưa, gió, bão đến nuôi dưỡng khát vọng sống cho con người và muôn loài… Khi gặp tháp Nhạn, không khí bỗng trở nên thiêng liêng như ở thiên đường suốt từ bình minh đến hoàng hôn. Đêm đến, những ngọn sóng từ Biển Đông không ngừng ào ạt, càng về khuya tiếng sóng ùa về trong câu chuyện bất tận của đất trời.
Tháp có cấu trúc bình đồ vuông, mỗi cạnh 10 m, chiều cao 23,5 m, gồm ba phần chính: đế, thân và chóp tháp. Cửa chính của tháp quay mặt về hướng đông, các mặt còn lại của thân tháp và trên các tầng mái đều bố trí cửa giả với nhiều họa tiết hoa văn mang các chủ đề về tôn giáo.
Lòng tháp Nhạn có diện tích 25 m2, tường xây theo kỹ thuật giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng. Vật liệu xây dựng chủ yếu của tháp Nhạn là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài 40 cm, chiều rộng 20 cm và chiều dày 8 cm, được xếp liền khít với nhau, tạo nên tường tháp dày tới 2,5 m. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tạo cho tháp Nhạn vừa mang dáng vẻ vững chắc, vừa thanh thoát và có tính thẩm mỹ cao.
Hằng năm vào các dịp lễ, Tết trên núi Nhạn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí. Đặc biệt, vào rằm tháng Giêng (âm lịch), nơi đây diễn ra Hội thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa về tham dự. Vào các ngày 21-23 tháng 3 (âm lịch) hằng năm, nơi đây tổ chức lễ vía Bà nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Thiên Yana Thánh Mẫu đã cứu dân độ thế trong một vùng đất rộng lớn trải dọc các tỉnh miền trung, các đoàn người từ Bình Định đến Ninh Thuận về dâng lễ Bà với tấm lòng thành kính trang nghiêm.
Đứng trên đỉnh núi Nhạn ở độ cao 64 m so mặt biển, người ta có thể thấy toàn cảnh thành phố Tuy Hòa bên bờ Biển Đông hiện ra trước mắt: Bốn cây cầu đường sắt và đường bộ chạy song song qua sông, những ngôi nhà cao tầng vươn lên giữa khuất lấp của những dãy núi phía xa, giữa mầu xanh của rừng cây và biển cả, của ruộng lúa, bờ tre tạo nên kiệt tác thiên nhiên.