Ì ạch khu đô thị vệ tinh
Ngay từ những năm 2013, thành phố đã có ý tưởng xây dựng bốn khu đô thị vệ tinh bao quanh trung tâm thành phố, gồm: Khu đô thị phía đông (trọng tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao); khu đô thị phía bắc (6.000 ha, trọng tâm là khu đô thị đại học tây bắc Củ Chi); khu đô thị phía nam thành phố (trọng tâm là khu đô thị nam Sài Gòn và khu đô thị cảng Hiệp Phước); khu đô thị phía tây (500 ha, nằm gọn trên địa bàn huyện Bình Chánh).
Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ mới khu đô thị phía đông đang sắp thành hiện thực, còn những khu đô thị vệ tinh khác mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Điển hình như khu đô thị tây bắc (huyện Củ Chi), sau gần 20 năm mới bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1. Hiện dự án vừa được phê duyệt lại quy hoạch 1/500 để tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, giao thông tiếp cận chưa có, suất đầu tư lớn nên thiếu vốn, thủ tục đầu tư phức tạp...
Do vậy, khu vực trung tâm thành phố hiện vẫn bị áp lực phát triển, quá tải, tập trung công trình dày đặc, trong khi hạ tầng cơ sở vẫn như cũ, không được đầu tư mới hay mở rộng nâng cấp theo kịp tốc độ gia tăng dự án.
Ngoài ra, các cực phát triển cũng khá gần với trung tâm hiện hữu cho nên bị cực trung tâm thu hút hết, không tạo động lực phát triển cho các cực khác. Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố cho rằng: Việc phát triển các đô thị vệ tinh là hợp lý và đã được thành phố thai nghén thực hiện từ lâu với mục đích giãn dân ra khỏi khu trung tâm và tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.
Để triển khai những đô thị vệ tinh mới này, thành phố cần tạo ra việc làm để thu hút người dân và đầu tư hạ tầng kết nối với khu trung tâm (xây cầu, mở đường, làm đường sắt đô thị…). Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thời gian qua, quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới tại thành phố sau khi đi vào xây dựng luôn bị chênh và phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các khu đô thị mới thường bị dẫn dắt bởi thị trường bất động sản. Giá nhà đất tại khu đô thị mới và khu vực lân cận liên tục bị đẩy lên cao khiến nhà đầu tư chạy theo mục đích thương mại hơn là đáp ứng nhu cầu về nhà ở, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Động lực tăng trưởng mới
Trong báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị mới đây gửi Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố mong muốn được chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển đô thị vệ tinh mang tính chuyên biệt như: Đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông… để mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội thị.
Cụ thể, khu đô thị phía đông sẽ là đô thị sáng tạo-tương tác cao ở phía đông; khu đô thị Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; đô thị khu nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; đô thị tây nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với đồng bằng sông Cửu Long; và đô thị tây bắc (Củ Chi-Hóc Môn).
Để tránh đi vào vết xe đổ của các đô thị vệ tinh trước đây, thành phố sẽ nghiên cứu quỹ đất phát triển nhà ở đô thị, nhất là nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho lao động, người thu nhập thấp. Đồng thời, sẽ nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị hiệu quả như mô hình phát triển theo định hướng giao thông (TOD) nhằm khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị.
Trong đó, nguồn vốn từ bán đấu giá quỹ đất dọc theo hành lang các trục đường giao thông chính giúp trang trải toàn bộ chi phí xây dựng, thu hồi đất và đem lại nguồn vốn để thành phố đầu tư cho các công trình hạ tầng khác. Qua khảo sát sơ bộ, thành phố sẽ có 10.000 ha đất dọc theo các tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), số 2 (Bến Thành-Tham Lương), vành đai 2, 3, 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài… từ đó tạo ra nguồn lực lớn để đầu tư các dự án khác.
Dưới góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị: Với mức độ biến đổi khí hậu nhanh như hiện nay, thành phố nên phát triển các khu đô thị mới về phía đông và tây bắc như Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức. Huyện Cần Giờ chỉ nên phát triển du lịch và một phần nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, du lịch là chính nên không cần có chiến lược tăng dân số ở đó.
Theo ông Sơn, khi Cần Giờ chỉ kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân tại chỗ làm, còn lại thuê từ nơi khác đến thì cũng đi làm về theo ca, đi làm rồi về lại thành phố. Nếu tăng dân số, tạo các khu nhà ở về lâu dài sẽ đẩy nguy cơ biến đổi khí hậu tăng nhanh, ảnh hưởng các dự án lấn biển làm du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư và phát huy các động lực phát triển mới. Đồng thời, tập trung triển khai có kết quả các dự án hạ tầng giao thông then chốt như: metro, vành đai, cao tốc… để kết nối với khu trung tâm, thu hút đầu tư, hoàn thiện liên kết vùng.