Ưu tiên công viên, cây xanh

Theo thống kê của các cơ quan quản lý chức năng, hiện tổng diện tích đất quy hoạch công viên (có cây xanh) toàn thành phố trong các đồ án quy hoạch lên đến hơn 11.400ha, tương ứng với chỉ tiêu 7m2 đất có cây xanh/người, nhưng con số thực tế lại rất ít.
0:00 / 0:00
0:00

Đến nay toàn thành phố có gần 370 công viên các loại với tổng diện tích khoảng 500ha. Với diện tích này, tính theo số dân của Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 10 triệu người) thì mỗi người dân được thụ hưởng chỉ khoảng 0,55m2 đất có cây xanh. Tỷ lệ này rất thấp so với tiêu chuẩn của một đô thị đặc biệt như thành phố, mật độ cây xanh công cộng phải đạt 15m2/người (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế).

Có thể thấy rằng, việc tìm cách gia tăng diện tích công viên, cây xanh là vấn đề nan giải đối với thành phố từ nhiều năm nay, kết quả qua từng năm vẫn khá hạn chế so với kỳ vọng.

Những năm qua, diện tích cây xanh của thành phố được tăng lên chủ yếu nhờ “ăn theo” các dự án bất động sản (khu dân cư, khu đô thị), công trình giao thông nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung. Tuy nhiên, tốc độ tăng diện tích cây xanh chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số; nhất là với các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Thủ Đức, Quận 8, Quận 12, quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè…

Còn việc đầu tư xây dựng công viên, trồng cây xanh ở thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trước hết là chính sách, cơ chế đầu tư-khai thác chưa hấp dẫn, mức độ sinh lời kém cho nên không thu hút được các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, nhất là những thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng các quận ở khu vực nội thành thì rất khó tìm ra được quỹ đất trống để xây dựng công viên, trồng cây xanh.

Trong khi đó, thời gian qua đã có không ít công viên lớn còn bị giảm diện tích vì phải “hy sinh” một phần diện tích để mở đường đô thị đi qua như công viên Gia Định, công viên Tao Đàn…; hoặc bị sử dụng sai mục đích (cho thuê mặt bằng để kinh doanh, làm bãi giữ xe…), lấn chiếm như các công viên Lê Văn Tám, 23 tháng 9, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ…

Trước thực trạng đó, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2020-2025) trong năm 2023.

Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phải đầu tư xây dựng mới 10ha công viên và 2ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh với mục tiêu nâng tỷ lệ đất có cây xanh lên từ 3m² đến 4m²/người ngay trong năm 2023.

Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng, cho thuê đối với các khu đất có nguồn gốc đất công hoặc được quy hoạch là đất công viên để xây dựng, phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2023-2025.

Còn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Ban Quản lý Khu Nam rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện việc thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch. Đồng thời, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định…

Theo các chuyên gia đô thị, để có thể tăng diện tích xanh, thành phố cần sớm kiểm tra, thanh tra các công viên đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích và có biện pháp xử lý nghiêm để trả lại không gian công cộng, mảng xanh cho cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cần thanh tra, giám sát chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị về vấn đề cam kết xây dựng diện tích công viên, trồng cây xanh theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các “hành lang xanh” ở vùng đô thị mới và vùng ven, ngoại thành để bù đắp những công trình bị bê-tông hóa như cầu, nhà chờ xe buýt… Riêng khu vực nội thành, chính quyền địa phương nên tiếp tục vận động người dân trồng cây xanh trên sân thượng, sân nhà, hẻm, vỉa hè…

Cùng với đó, thành phố nên sớm có chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng và khai thác các công viên có quy mô lớn hơn 10ha; trong đó, ngoài diện tích cây xanh thì nên cho phép kinh doanh các loại hình vui chơi, giải trí, triển lãm, trưng bày hoa kiểng, dịch vụ thể dục-thể thao…