Hơn hai tháng qua, khi tham gia Tổ truyền thông cộng đồng xã A Tiêng, chị Bhling Thị Lương cùng nhóm chị em phụ nữ trong thôn TaVang cùng chia sẻ học nghề thêu, liên kết bán hàng cho khách du lịch. “Các chị em trong tổ dệt trang phục thổ cẩm của người Cà Tu, chủ động tìm khách hàng để bán. Chị em liên kết vừa giới thiệu được trang phục truyền thống vừa có thu nhập ổn định hơn”, chị Lương chia sẻ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tập trung nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về những vấn đề cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em đến các ngành, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đăng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đổi với phụ nữ và trẻ em ở miền núi.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh các chương trình hoạt động từ cơ sở thôn bản các xã vùng cao. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tập huấn chuyên đề kiến thức về giới, nâng cao năng lực về lồng ghép giới của Chương trình mục tiêu quốc gia cho 231 cán bộ cấp xã của 4 huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam triển khai thành lập và vận hành Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", Tổ truyền thông tại cộng đồng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế phụ nữ cho 343 cán bộ huyện, xã của 6 huyện gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức.
Chị Bhling Thị Akêu, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng của xã A Tiêng chia sẻ “Truyền thông cộng đồng giúp cho bà con, chị em tiếp cận nhiều thông tin hơn từ đó có cơ hội chia sẻ việc làm ăn, hiểu biết pháp luật về gia đình, tảo hôn. Mình thấy rất bổ ích nên tham gia và vận động chị em trong làng, trong xã sinh hoạt cùng”.
Cùng với các giải pháp phù hợp đặc thù ở miền núi, huyện Tây Giang và Nam Giang thành lập 4 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng", Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" và 2 “địa chỉ tin cậy" tại huyện miền núi Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang Bríu Thị Nem cho biết, các hoạt động tổ chức phù hợp với đặc thù mỗi bản, làng và gắn kết các thành viên với cộng đồng chặt chẽ hơn. Sự liên kết nhau qua các mô hình, hoạt động thực tế giúp cho bà con miền núi hiểu biết, thêm nhiều kỹ năng để chia sẻ nhau. Qua đó bảo vệ chị em phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng dân cư.
Đẩy mạnh công tác truyền thông cộng đồng với nhiều hoạt động phù hợp, thiết thực ở các địa bàn thôn bản vùng sâu, vùng xa nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam ưu tiên thực hiện. “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; kỹ năng sống cho trẻ em miền núi đang được thực hiện ở các huyện miền núi của tỉnh. Sau khi triển khai các tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những mô hình, cách làm hay, hiệu quả sẽ tiếp tục được duy trì, nhân rộng”, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Lệ Thủy khẳng định.