Trung thu ngày càng đậm chất truyền thống

Những ngày này, không khí Tết Trung thu đã lan tỏa khắp các phố phường Hà Nội. Những trò chơi dân gian, đồ chơi, mâm cỗ Trung thu chuẩn “chất xưa” có vẻ đang và sẽ chiếm thế áp đảo. Điều đó cho thấy sức sống của văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (thứ hai từ trái sang; xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) giới thiệu cách làm đèn kéo quân.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (thứ hai từ trái sang; xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) giới thiệu cách làm đèn kéo quân.

Không khí Trung thu được đánh dấu bằng việc UBND quận Hoàn Kiếm khai mạc Lễ hội “Trung thu phố cổ 2022” vào tối 1/9 tại khu vực trước cửa chợ Đồng Xuân. Ngay sau lễ khai mạc, hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật đón Trung thu đã được mở cửa tại những không gian văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tạo ra một “sân chơi” rộng lớn cho cộng đồng. Phố Hàng Mã đã trở thành “chợ Trung thu”, rợp trời đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, đầu lân, mặt nạ… và nhiều loại đồ chơi khác. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là năm nay, có một gian hàng con giống bột ở số 75 phố Hàng Mã của nghệ nhân Đặng Văn Hậu (làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên). Gần giống như tò he, nhưng con giống bột Hà thành được nặn một cách cầu kỳ hơn, tinh tế hơn. Nhất là những chú lân, cá vàng, thiềm thừ… được nghệ nhân tạo tác tỉ mỉ từ chi tiết nhỏ nhất như mắt, mũi, lông, vảy… khiến chúng trở nên sống động. Bác Nguyễn Văn Huy (phố Trương Định, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Đã rất lâu rồi tôi mới thấy những con giống bột đẹp thế nên tôi mua mấy con về cho các cháu chơi”.

Không gian bích họa trên phố Phùng Hưng cũng rực rỡ sắc mầu của đèn lồng và nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu đồ chơi Trung thu. Khách tham quan được trải nghiệm các loại đồ chơi như: Ông tiến sĩ, ông đánh gậy, phỗng đất… và các loại đèn Trung thu. Khách tham quan còn được giao lưu, trò chuyện trực tiếp với những nghệ nhân làm đèn ông sao, đèn kéo quân, nghệ nhân làm phỗng đất… Không gian tại phố đi bộ Phùng Hưng cũng sôi động hơn khi khách tham quan được hướng dẫn tham gia những trò chơi dân gian: Ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò… Đây là những trò chơi xa lạ với trẻ em hôm nay, nhưng từng là một phần tuổi thơ của thế hệ 8x, 7x nên được rất nhiều người hưởng ứng.

Tại các địa chỉ văn hóa như: Đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (số 87 phố Mã Mây), Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội (số 28 phố Hàng Buồm), khách tham quan có những phút lắng đọng khi được ngắm mâm cỗ Trung thu truyền thống, hay những tư liệu, hình ảnh về người Hà Nội đón Trung thu trong những năm đầu thế kỷ 20. Đây cũng là nơi giới thiệu những mẫu đèn Trung thu cổ vốn được tạo tác kỳ công, một thời đã thất truyền nhưng được nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục, như đèn con cua, đèn cá chép hóa rồng…

Tiếng trống múa sư tử đã rộn ràng tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ ngày 2/9, khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long triển khai chương trình Vui Tết Trung thu với chủ đề “Đèn thu lung linh”. Trong một không gian được trang hoàng bằng những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn lồng…, khách tham quan như được trở về một Hà Nội xưa cũ với những gian hàng bán đồ Trung thu, với nhiều loại đồ chơi “kiểu Hà Nội”, hay mâm cỗ “trông trăng”. Không chỉ thu hút các em nhỏ, nhiều người lớn tuổi cũng cùng gia đình đến Hoàng thành Thăng Long những ngày này để sống lại ký ức tuổi thơ. Tại đây, khách tham quan được hướng dẫn làm các loại đồ chơi Trung thu, khách có thể tự mình làm đèn ông sao, đèn cù… sau đó đem về sử dụng. Bé Phạm Minh Anh (phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình) cho biết: “Đây là năm thứ hai cháu được bố mẹ đưa đến Hoàng thành Thăng Long vào dịp Tết Trung thu. Không khí ở đây rất thích. Cháu được biết nhiều loại đèn Trung thu rất đẹp”.

Ngoài những không gian trên, nhiều đơn vị, tổ chức khác cũng tổ chức các hoạt động Trung thu truyền thống. Bảo tàng Dân tộc học những ngày này cũng là “điểm hẹn” của những trò chơi, đồ chơi dân gian. Hay nhóm Về làng còn triển khai chương trình có tính trải nghiệm cao khi đưa khách về tận các làng nghề để gặp gỡ nghệ nhân, trải nghiệm mâm cỗ truyền thống, làm đồ chơi Trung thu cùng nghệ nhân. Tết Trung thu ngày càng đậm chất truyền thống hơn, và đó là một tín hiệu cho thấy sức sống bền bỉ của văn hóa Việt.