Bão số 3 (Yagi) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê mới nhất, thiệt hại đối với nền kinh tế lên tới hơn 81.500 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15% so kịch bản trước đó.
Hàng tỷ USD trôi, chìm theo bão lũ
Quảng Ninh và Hải Phòng, 2 tỉnh đón bão Yagi sớm nhất và cũng gánh chịu mức thiệt hại lớn nhất. Trong đó, Quảng Ninh thống kê thiệt hại 25.000 tỷ đồng; Hải Phòng thiệt hại 12.300 tỷ đồng.
Tính toán lại những thiệt hại sau bão, ông Vũ Văn Cường (sống tại khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) không khỏi ngậm ngùi: “Gia đình tôi không còn gì nữa cả, 3 bè cá thiệt hại gần 14 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng “siết” nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Tôi chỉ mong ngân hàng cảm thông mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”.
Ông Vũ Văn Cường (ngoài cùng bên phải) chia sẻ với đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước. |
Cũng giống gia đình ông Cường, gia đình chị Ngô Thị Thúy, sống tại khu Thống Nhất 2, Tân An, (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) qua một đêm bão, những gì còn sót lại chỉ là một ít cá con giữ được tại lồng. Trong khi, khoảng 600 ô cá lớn nuôi tại Cẩm Phả (mỗi ô thả 500 con cá, mỗi con cá khoảng 3kg) đã bị “quét sạch”, tổng thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng.
Giờ đây, gia đình chị Thúy cũng chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. “Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thúy cho hay.
Chị Ngô Thị Thúy bày tỏ mong muốn được ngân hàng hoãn, giãn nợ và cho vay mới để tái sản xuất, kinh doanh. |
Còn tại Lào Cai, đã hơn nửa tháng sau khi mưa lũ đi qua, nhưng tại Nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc, những dấu vết của sạt lở, ngập nước vẫn hằn rõ. Căn nhà điều hành khang trang cũ của nhà máy giờ chỉ còn là một khu đất ngổn ngang.
Dấu vết còn sót lại của Khu nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc. |
Ông Nguyễn Tất Anh - Giám đốc điều hành của nhà máy vừa được điều động về đây, chia sẻ, “do mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn đã dẫn tới sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nên nhà điều hành của nhà máy bị san phẳng hoàn toàn, 5 cán bộ nhân viên của nhà máy bị thiệt mạng”. Đến nay, nhà máy vẫn chưa có điện để vận hành, công nhân đang phải chạy máy phát để bơm nước, bơm bùn ra, vệ sinh máy móc. “Ước tính thiệt hại hơn 100 tỷ đồng, chưa tính thời gian dừng vận hành không có doanh thu để sửa chữa nhà máy thời gian tới. Đây thật sự là một sự việc gây bàng hoàng với tất cả cán bộ, nhân viên của chúng tôi”, ông Nguyễn Tất Anh cho biết.
Ông Bùi Xuân Tịnh vẫn không quên được cảm giác bàng hoàng khi nhận tin kho nhà xưởng bị bão giật đổ, hư hỏng lên tới hàng tỷ đồng. |
Trong khi đó, đứng bên cạnh nhà kho chứa vật liệu xây dựng và thiết bị phòng cháy chữa cháy dùng để cung cấp cho các công trình xây dựng cũng đã bị bão giật đổ, hư hỏng lên tới hàng tỷ đồng, ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Văn Tịnh (Lào Cai) bày tỏ sự tiếc nuối xen lẫn lo lắng, sau hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng với hơn 120 nhân sự, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đứng trước một thiệt hại lớn như vậy.
Trên đây chỉ là số ít trong hàng vạn khách hàng vay vốn của các ngân hàng thương mại đã bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ. Cùng với toàn bộ vốn liếng tích cóp được để kinh doanh, giờ đây họ còn thêm nặng gánh lo âu về nguồn vốn vay của ngân hàng. Như với gia đình ông Cường, chị Thúy, là vài tỷ đồng vay từ Agribank.
Với Nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc bên cạnh gánh chịu thiệt hại nặng nề về con người, doanh nghiệp còn là khách hàng lớn nhất và có dư nợ lên tới gần 700 tỷ đồng tại SHB chi nhánh Lào Cai… Tất cả, sẽ khó chồng thêm khó nếu không kịp thời có sự động viên, hỗ trợ và nguồn trợ lực vốn từ phía các ngân hàng.
“Chỗ dựa” của người dân, doanh nghiệp
Theo Giám đốc điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc Nguyễn Tất Anh, ngay khi biết tin, phía ngân hàng đã chủ động liên hệ thăm hỏi và đưa ra những gói hỗ trợ thiết thực, như giảm 50% lãi suất trong thời gian từ tháng 9 đến hết năm 2024, đồng thời cấp gói vay 50 tỷ đồng với lãi suất 4,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Ông Nguyễn Tất Anh - Giám đốc điều hành của nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc.
Trong lúc chúng tôi vừa bị suy giảm về tài chính, vừa chịu sự mất mát nặng nề về con người khiến sang chấn tâm lý, tư tưởng, các cán bộ, nhân viên SHB đã có lời hỏi thăm chia sẻ và đưa ra các gói hỗ trợ thiết thực. Đối với chúng tôi, những sự hỗ trợ này rất quý giá. Đây là điểm tựa tài chính để chúng tôi cố gắng khắc phục vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Nguyễn Tất Anh
Cũng theo ông Tất Anh, gói vay 50 tỷ đồng này trước mắt doanh nghiệp sẽ tập trung để chi phí vào thay thế sửa chữa thiết bị để làm sao nhà máy đi vào vận hành sớm nhất có thể. “Tôi tin rằng, có sự tiếp sức của SHB, Công ty sẽ nhanh chóng phục hồi đi vào hoạt động trở lại”, ông Tất Anh bày tỏ.
Giám đốc Công ty Văn Tịnh (Lào Cai) Bùi Xuân Tịnh cũng cho biết, khi hay tin doanh nghiệp bị thiệt hại, các chuyên viên của Ngân hàng SHB đã động viên, chia sẻ, đồng thời có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, giảm lãi phải trả và giảm phí bảo lãnh dự thầu. Đặc biệt, SHB đã có chính sách gói vay cố định với lãi suất ưu đãi 4,5%/năm. “Với sự quan tâm của SHB, chúng tôi sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn này. Đây cũng là đà để công ty khắc phục hậu quả sau cơn bão và phát triển đi lên. Với sự hỗ trợ về lãi suất và các khoản vay ưu đãi, Công ty sẽ nỗ lực để thi công các công trình, xây dựng sửa chữa lại nhà xưởng, nhà kho để từ đó tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và có nguồn chi trả cho ngân hàng”, ông Bùi Xuân Tịnh khẳng định.
Ngay sau khi biết tin Công ty Văn Tịnh bị thiệt hại, các chuyên viên của Ngân hàng SHB đã kịp thời có mặt để động viên, chia sẻ, và có những chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. |
Được biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho tỉnh Lào Cai, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 6.640 tỷ đồng. Riêng đối với ngành ngân hàng trên địa bàn, Theo Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai Đỗ Quang Huy, đến ngày 20/9, tổng hợp báo cáo sơ bộ của các ngân hàng trên địa bàn có 3.744 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại; dư nợ 5.100 tỷ đồng.
Trên phạm vi rộng hơn, qua tổng hợp thống kê từ các tổ chức tín dụng rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão số 3, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả các tỉnh, thành phố lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố khác như Yên Bái có tới 18,55% dư nợ bị ảnh hưởng; Hải Phòng là 10,65%, tương đương gần 25.000 tỷ đồng; Hải Dương là 8,64%, tương đương 12.000 tỷ đồng; Hà Nội thiệt hại gần 1%, tương đương 31.870 tỷ đồng (số liệu đến 20/9)…
Nghị quyết mới của Chính phủ về Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04 về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cho vay mới; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đáng chú ý, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đặc biệt bày tỏ mong muốn các tổ chức tín dụng sẽ trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ.
Giao dịch khách hàng tại SHB chi nhánh Lào Cai. |
Trên tinh thần này, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB Ngô Thu Hà cũng cho biết, SHB đang khẩn trương tiếp tục rà soát, thống kê tình hình thiệt hại của khách hàng do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão, từ đó áp dụng phương án hỗ trợ phù hợp nhất, góp phần giúp người dân và doanh nghiệp nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ 1/9 đến tháng 31/12/2024, đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng.
Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, đến hết 31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh, thời gian hỗ trợ có thể lên tới 6 tháng.
“SHB cũng sẽ tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để đưa ra những gói hỗ trợ phù hợp từng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...”, bà Ngô Thu Hà cho biết thêm.
Đến nay, cùng SHB, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Ngân hàng Nhà nước, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tổng số 405 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2% để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua.
Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ ngành trình Thủ tướng bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024-2025.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân.
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về cơ cấu hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3.
Theo đề xuất, các ngân hàng có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gốc phát sinh trước 7/9 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ 7/9 đến hết năm 2025. Thời gian cơ cấu hạn trả nợ là không quá 1 năm, tùy thuộc vào mức độ khó khăn của từng khách hàng...