Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 7417/NHNN-TD chỉ đạo các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh một số tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Người dân, doanh nghiệp thiệt hại nặng
Là một trong số những hộ vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do bão số 3, chị Ngô Thị Thúy, sống tại khu Thống Nhất 2, Tân An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Sau khi cơn bão đi qua đã "quét sạch" của gia đình chị 600 ô cá lớn nuôi tại Cẩm Phả (mỗi ô thả 500 con cá, mỗi con cá khoảng 3 kg). "Còn lồng cá con ở Quảng Yên, tôi còn khoảng 20 ô nhưng nước thế này, chưa chắc cá con sống được", chị Thúy không khỏi lo lắng.
Sự lo lắng còn lớn hơn khi chị Thúy chia sẻ, toàn bộ vốn liếng chị dồn vào nuôi cá là khoảng 12 tỷ đồng và bây giờ đã trắng tay. Trong đó, chị Thúy vay ngân hàng 4 tỷ đồng, đã trả được 500 triệu đồng, phần còn lại không biết xoay xở ra sao. "Nếu Nhà nước hỗ trợ cho người dân chút vốn, tôi sẽ khắc phục, đóng thêm ô bè, thả cá con xuống kịp thời để gây dựng lại. Bây giờ người dân ở đây cứ gặp nhau là ôm nhau khóc, động viên nhau còn người là còn của", chị Thúy bày tỏ.
Thực tế sau khi cơn bão đi qua, có rất nhiều người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất trắng tài sản. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Hiển thông tin: Qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đến hết ngày 10/9, có tổng số 11.058 khách hàng với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả bão số 3 để lại; một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).
Tại Hải Phòng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Dung cho biết, theo báo cáo nhanh về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3, có 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề như lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…
Nhanh chóng áp dụng các biện pháp hỗ trợ
Bão Yagi đã khiến nhiều khách hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại mà không có khả năng trả nợ, gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, những khoản nợ của các doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nuôi trồng thủy hải sản, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết hoãn giãn nợ, giảm lãi và đặc biệt mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp.
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng thương mại cũng cho biết, ngân hàng đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.
Theo ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, mặc dù đã sớm chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 và mưa lũ, tuy nhiên tại Vietcombank, theo thống kê sơ bộ đã có 34 chi nhánh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ, trong đó riêng địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có bảy chi nhánh bị ảnh hưởng, thiệt hại về cơ sở vật chất ước tính gần 6 tỷ đồng, một số điểm giao dịch phải tạm dừng hoạt động.
Hiện tại, theo uớc tính đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Trong tình hình này, để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh chịu thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra tại các địa phương chịu ảnh hưởng.
"Ước tính có gần 20 nghìn khách hàng cá nhân, doanh nghiệp được giảm lãi suất với quy mô dư nợ gần 130 nghìn tỷ đồng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng", ông Tùng chia sẻ.
Theo ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
"Ngân hàng đang đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống", ông Hải cho hay.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Đoàn Ngọc Lưu cũng cho biết, triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, khắc phục hậu quả bão số 3, Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, bảo đảm hỗ trợ khách hàng kịp thời; thành lập các đoàn công tác gặp gỡ, động viên, chia sẻ trực tiếp với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3; nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ, các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng cụ thể.
Trong khi đó, theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc BIDV, thời gian qua, BIDV liên tục cập nhật thông tin từ chi nhánh ở hai địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng. BIDV coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
"Những ngày trong bão và sau bão cũng cần cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí để mua sắm những đồ dùng trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống bởi rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hằng ngày", ông Tú lưu ý thêm.