Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở huyện biên giới Lộc Ninh

NDO- Năm 2023, tỉnh Bình Phước đang tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó lồng ghép tích hợp Dự án 1 với các chương trình đặc thù của tỉnh với mục tiêu sẽ sớm giảm được 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số theo kế hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lộc Ninh.
Hỗ trợ con giống cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước, huyện biên giới Lộc Ninh đã triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo của tỉnh.

Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp đa chiều, đến cuối năm 2022 trên địa bàn huyện Lộc Ninh có 230 hộ nghèo, chiếm 0,69% tổng số hộ dân, trong đó có 139 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Huyện Lộc Ninh đề ra chỉ tiêu trong năm 2023, giảm được ít nhất 191 hộ nghèo và phấn đấu các xã: Lộc Hiệp, Lộc Thạnh, Lộc Thiện, Lộc Thịnh và Lộc Thái không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 0,69% xuống còn 0,12% đến hết năm 2023.

Cùng với tạo điều kiện tốt nhất để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận vốn, các tổ chức hội, đoàn cũng chủ động định hướng về cây, con giống, chuyển giao khoa học-kỹ thuật người dân từng bước thoát nghèo bền vững. Đến nay, Ngân hàng chính sách chi nhánh huyện Lộc Ninh đã cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay 45 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở huyện biên giới Lộc Ninh ảnh 1
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng dưa lưới ở xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) đang là mô hình xóa nghèo hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện Lộc Ninh đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh kế; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế...

Đến nay, các tiêu chí về giảm nghèo trên địa bàn huyện Lộc Ninh cơ bản đã hoàn thành. Qua đó góp phần quan trọng trong cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Lộc Ninh, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.