Tạo đột phá trong phát triển kinh tế các huyện vùng xa

Thời gian qua thành phố Hà Nội đã ưu tiên nguồn lực tập trung hỗ trợ các huyện vùng xa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.

Sản xuất miến dong tại xã Minh Quang (Ba Vì) mang lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: LÊ THU
Sản xuất miến dong tại xã Minh Quang (Ba Vì) mang lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: LÊ THU

Những ngày này, người dân xã Tản Lĩnh và Khánh Thượng (huyện Ba Vì) rất phấn khởi khi đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được kết quả này, trong 10 năm qua, xã Tản Lĩnh đã nhận được số tiền gần 232 tỷ đồng, xã Khánh Thượng hơn 210 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống đường giao thông, kênh, mương thủy lợi, giúp sinh hoạt, sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Anh Nguyễn Đăng Thành, người dân xã Khánh Thượng vui mừng cho biết, từ ngày được đầu tư hạ tầng sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, người dân đã phá bỏ nhiều diện tích vườn tạp, mạnh dạn đầu tư trồng chè, cây ăn quả, chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của người dân phát triển bền vững, thu nhập ngày càng tăng cao.

Theo đại diện UBND huyện Ba Vì, trên địa bàn huyện có bảy xã thuộc vùng dân tộc miền núi, gồm: Ba Trại, Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Yên Bài và Vân Hòa, với hơn 77.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 28.000 người. Thời gian qua, huyện đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, dự án của trung ương, thành phố, trong đó riêng giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện 85 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Đến nay, bảy xã dân tộc miền núi đã hình thành vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 1.300 ha; vùng chăn nuôi bò sữa hơn 12.000 con và chăn nuôi đà điểu, gia cầm quy mô lớn. Nhiều làng nghề sản xuất, chế biến nông sản truyền thống, như sản xuất miến dong, chế biến chè búp, thuốc nam… được khôi phục, phát triển, với 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Diện mạo nông thôn các xã dân tộc miền núi khang trang, sạch đẹp. Kinh tế phát triển bền vững. Đời sống người dân ngày càng nâng cao. Đáng chú ý, nhận thức của người dân đã thay đổi, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân đã yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác lợi thế đất đai để phát triển du lịch, dịch vụ.

Ở khu vực phía nam Thủ đô, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Mỹ Đức có 16 trong số 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, cải tạo, giúp sản xuất thuận lợi hơn. Đời sống của người dân ngày một nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 49,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,17%. Huyện có bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế; toàn bộ 21 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đối với năm xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Bột Xuyên, Lê Thanh, An Tiến, Đồng Phú và An Phú, huyện đặt mục tiêu hoàn thành các tiêu chí trong năm 2021. Đến nay, xã Lê Thanh và Bột Xuyên được Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội chấm điểm, đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn. Ba xã còn lại đang gấp rút triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án đường giao thông, trường học, nhưng gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.

Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng trong quý III/2021, thành phố đã huy động được gần 15.495 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố đã huy động được hơn 574 tỷ đồng vốn xã hội hóa từ nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và hợp tác xã xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2021 có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Ứng Hòa đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại hội nghị giao ban quý III của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chỉ đạo các sở, ngành của thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các huyện, nhất là các huyện vùng xa xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, mặc dù thành phố đã phân bổ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho các địa phương theo kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất thành phố xem xét hỗ trợ thêm, đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao cuộc sống người dân.