Khi người đứng đầu đối thoại trực tiếp với dân

Sau 5 năm thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” tại Hà Nội, nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết, tạo thêm lòng tin cho người dân và ổn định tình hình cơ sở. Những kết quả đạt được sẽ giúp thành phố thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này hơn trong giai đoạn tới.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân quận Hai Bà Trưng. (Ảnh LINH NGUYỄN)
Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân quận Hai Bà Trưng. (Ảnh LINH NGUYỄN)

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Ðức cho biết, thực hiện Quy định số 11, từ năm 2019 đến nay, Bí thư Thành ủy đã trực tiếp tiếp dân giải quyết 22 vụ việc. Ðây đều là những vụ việc khiếu kiện kéo dài, có tính chất điển hình, liên quan đến các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy còn chủ trì 15 hội nghị đối thoại với quần chúng nhân dân và đại biểu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp đã tiếp hàng chục nghìn lượt công dân, cụ thể, cấp xã tiếp hơn 117 nghìn cuộc với hơn 657 nghìn lượt công dân; cấp huyện tiếp hơn 41 nghìn cuộc với hơn 57 nghìn lượt công dân; cấp thành phố tiếp hơn 11.500 cuộc với hơn 16.600 lượt công dân.

Trách nhiệm của Bí thư Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong thực hiện Quy định số 11 là tấm gương để cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp làm theo, chú trọng thực hiện tốt công tác này. Trên tinh thần đó, nhiều cấp ủy, người đứng đầu quận, huyện, thị xã đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân; xử lý ý kiến, kiến nghị của người dân.

Tại quận Hai Bà Trưng, mặc dù địa bàn có nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, hầu hết đều khó khăn, phức tạp, nhưng tình hình đơn, thư khiếu kiện những năm gần đây đã giảm đáng kể. Những dự án quan trọng như đường Vành đai 1, Vành đai 2 dưới thấp và trên cao đều được giải phóng mặt bằng thông suốt. Giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng là quận đã tập trung tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam cho biết: “Ðối với quận, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải xác định rõ, người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển.

Phục vụ cuộc sống người dân là mục tiêu, là động lực trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các phòng, ban, ngành phải tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân; lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ... Ngoài việc tiếp xúc, đối thoại, cần tăng cường nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, duy trì công tác tiếp công dân và kịp thời giải quyết các đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo”.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo cho biết: “Người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân giải quyết đơn, thư sẽ tránh được việc đùn đẩy, né tránh của các cấp, các ngành. Trước cứ người nọ đùn đẩy người kia, giờ có đồng chí bí thư cấp ủy kết luận chỉ đạo, ấn định thời hạn cụ thể, lại kiểm tra, đôn đốc thực hiện thì không thể đùn đẩy được nữa”. Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy cũng khẳng định, nơi nào bí thư cấp ủy quan tâm thực hiện tốt Quy định số 11 thì tình hình ở nơi đó ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Ban Nội chính Thành ủy cho rằng, trong khi thực hiện Quy định số 11, việc tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm đúng thời gian quy định, còn có tình trạng phân công cấp phó tiếp dân. Ðiều này dẫn đến còn nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chưa được giải quyết dứt điểm

Ðể thực hiện tốt hơn nữa Quy định số 11, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng, thờ ơ, vô cảm trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân; xử lý nghiêm trách nhiệm những cấp ủy, địa bàn có nhiều vụ việc đông người khiếu kiện vượt cấp...

Lãnh đạo Thành ủy yêu cầu phải coi đây là công việc thường xuyên quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, thuộc thành phố; là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố. “Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng, thờ ơ, vô cảm trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân; kịp thời theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác xử lý đơn, thư, tiếp công dân, đối thoại với công dân; có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.