Kết nối những không gian văn hóa

Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là địa bàn có nhiều không gian văn hóa cộng đồng thu hút sự quan tâm của công chúng và khách du lịch như: Phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật phố Phúc Tân, và nhiều địa chỉ văn hóa khác trong khu phố cổ. Ðể phát huy hiệu quả những không gian đó, quận Hoàn Kiếm đã tăng cường sự kết nối những không gian này bằng một không gian nghệ thuật mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ đến trải nghiệm tại không gian nghệ thuật trên cầu vượt phố Trần Nhật Duật.
Các bạn trẻ đến trải nghiệm tại không gian nghệ thuật trên cầu vượt phố Trần Nhật Duật.

Ra đời từ đầu năm 2020, đến nay không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đem một “làn gió mới” đến cuộc sống người dân vùng đất bãi ven sông Hồng. Không ai nghĩ rằng một khu vực đầy rác thải, nơi thể hiện không ít mặt trái của đô thị lại trở thành không gian nghệ thuật ngoài trời.

Cả một đoạn đường mấy trăm mét trở thành không gian của những tác phẩm nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm đều gần gũi với cuộc sống của người dân, lấy cảm hứng từ những con thuyền, về cầu Long Biên, cuộc sống sông nước, gánh hàng rong…, một số tác phẩm gắn với những di sản của văn hóa Việt nhưng thể hiện bằng ngôn ngữ đương đại. Từ chỗ là “mặt sau” của đô thị, khu vực phường Phúc Tân trở thành điểm đến của nhiều bạn trẻ, nhiều khách nước ngoài. Không gian nghệ thuật trở thành một phần của cộng đồng người dân tại đây và được cộng đồng gìn giữ.

Tuy nhiên, khu vực ngoài sông Hồng nói chung, cũng như không gian nghệ thuật Phúc Tân nói riêng vẫn khá biệt lập so với không gian sinh sống của người dân trong đê, nhất là khu vực phố cổ. Hai không gian này bị chia tách bởi con đê sông Hồng và những tuyến đường lớn. Cuộc sống hai bên (trong và ngoài đê) được kết nối với nhau thông qua những cửa khẩu và một số cầu đi bộ.

Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật là một trong số đó. Và đây chính là nơi khởi nguồn cho ý tưởng kết nối những không gian văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ý tưởng biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật thành không gian văn hóa có tính gạch nối giữa hai không gian được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm ủng hộ và cùng các nghệ sĩ triển khai thành một dự án nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Khi chúng tôi khảo sát cầu đi bộ Trần Nhật Duật, chúng tôi nhận thấy đối tượng sử dụng cây cầu này chủ yếu là người bán hàng rong, các em học sinh. Buổi tối, cây cầu khá tối và ít người đi lại”. Ðể cải tạo cây cầu, các nghệ sĩ đã mất nhiều thời gian để lên ý tưởng.

Từ chủ đề chung là “Nước”, một loạt tác phẩm được triển khai. Các nghệ sĩ đã nghiên cứu cấu trúc của cầu để khi hoàn thành, các tác phẩm sẽ tương tác, biến toàn bộ cây cầu thành tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm “Thủy cung” của hoạ sĩ Vũ Xuân Ðông gợi cảm giác giống như một đường hầm thủy cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu.

Kết hợp với ánh sáng từ hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu và ánh sáng từ hệ thống đèn led bên trong, vòm mái nhựa che phủ vòm cầu trở thành một phần của tác phẩm. Dọc suốt hành lang thành cầu đi bộ, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của họa sĩ Lê Ðăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ 19 trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.

Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được họa sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức “Cá chép vượt vũ môn”, lấy một tích trong tranh dân gian Hàng Trống. Bức tranh như nhắc nhở hành trình học tập rèn luyện của học sinh mỗi ngày leo thang bộ đi học giống như hành trình “cá chép hóa rồng”...

Bất kỳ cây cầu nào cũng mang ý nghĩa kết nối không gian. Cây cầu đi bộ giờ đây đã trở thành một cây cầu nghệ thuật, kết nối khu vực ngoài đê với khu vực phố cổ, đồng thời, tăng tính kết nối với các không gian văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ðầu tiên, chính là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm (Hội quán Quảng Ðông cũ), tiếp đó, là đền Quan Ðế - Trung tâm thông tin phố cổ (số 28 phố Hàng Buồm) hay Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 phố Ðào Duy Từ)… và nhiều địa chỉ văn hóa khác đều chỉ cách chân cầu vài trăm mét.

Với khoảng cách ấy, bất kỳ ai cũng có thể làm những chuyến đi bộ để tham quan, trải nghiệm những không gian văn hóa ở khu vực ngoài đê lẫn phố cổ. Ðó cũng chính là mục đích của chính quyền quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, cây cầu đi bộ Trần Nhật Duật không chỉ là một cây cầu nghệ thuật mà từ sự kết nối này, nó sẽ góp phần thu hút khách tham quan du lịch, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.