Khai thác giá trị các công trình kiến trúc

Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện các chính sách để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Từ đây, nhiều chuyên gia mong mỏi, các khu chung cư cũ, biệt thự cũ có dấu ấn kiến trúc riêng cũng cần được quan tâm hơn.

Tại Hội nghị phản biện về Đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” vừa diễn ra, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo Đề án đã nêu bật những bất cập trong quá trình cải tạo chung cư cũ và đánh giá cao những giải pháp đặt ra trong thời gian tới. Song, ông cũng đề xuất: Trên địa bàn Thủ đô có những khu chung cư được xây dựng giai đoạn 1955 - 1957, có dấu ấn riêng về kiến trúc. Vì vậy, thành phố nên có lựa chọn bảo tồn, để cho thế hệ sau cảm nhận được công lao thế hệ đi trước, góp phần nâng tầm giá trị di sản của Hà Nội.

TS, KTS Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết thêm, cải tạo không gian phố truyền thống nên theo hướng ưu tiên các hoạt động thương mại. Bởi, ở khía cạnh du lịch, trừ trong đại dịch Covid-19 hiện nay, không có sự suy giảm cư trú, mà gia tăng khi lượng khách du lịch lưu trú tại khách sạn mi-ni thay thế các ngôi nhà cổ, cũ... Vì thế, công tác quy hoạch cần giới hạn quy mô khách sạn trong khu phố lịch sử. 

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin, quận đã và đang rà soát lại toàn bộ quỹ nhà đất trên địa bàn. Trong thời gian tới, quận tập trung bảo tồn các công trình có giá trị; quản lý, bảo tồn quỹ nhà sở hữu Nhà nước theo đúng kỹ thuật của ngành bảo tồn; đồng thời có biện pháp khai thác quỹ nhà này phục vụ phát triển kinh tế. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy chế quản lý, sử dụng để bảo tồn, tôn tạo, xây dựng nhà biệt thự Pháp cổ; bố trí kinh phí để đánh giá chất lượng và bảo trì, cải tạo các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; lập hồ sơ quản lý, tôn tạo chung cư có giá trị kiến trúc, lịch sử. Thành phố cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia công tác bảo tồn công trình, gắn với khai thác hợp lý và lâu dài, như một hình thức đầu tư. Hoạt động kinh tế có hiệu quả sẽ tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư, phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc công trình.