Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:

"Tôi viết sách để kéo tuổi thơ gần lại"

"Mùa hè không tên", cuốn truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trên cả nước. Một lần nữa, những hoài niệm tuổi thơ trong trẻo ở ngôi làng Đo Đo lại được tác giả nhắc đến với bao mảnh ghép đong đầy thương yêu. Nhắc đến xóm làng và chuyện buồn vui của tụi nhỏ miền quê luôn là cách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lựa chọn để kéo tuổi thơ lại gần.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách "Mùa hè không tên" tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt sách "Mùa hè không tên" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đo Đo, một ngôi làng tại tỉnh Quảng Nam, quê hương của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành bối cảnh quen thuộc với những độc giả mến mộ ông. Ngôi làng gắn liền năm tháng ấu thơ với bao điều lưu luyến được tác giả ưu ái khi nhiều lần đưa vào truyện, thơ và cả những trang tản văn giàu cảm xúc. Khác với "Mắt biếc", "Ngồi khóc trên cây" hay "Quán Gò đi lên", Đo Đo được nhắc đến trong "Mùa hè không tên" nhiều lần và đặc biệt hơn.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: Trong truyện dài lần này, ngôi làng tuổi thơ được xem như một "nhân vật" độc lập, như Khang, Nhàn và các bạn nhỏ thôn quê, cùng nhau kể lại câu chuyện về sự tử tế giữa đời. Qua cuốn sách này, tác giả muốn tạo nên bức tranh thêu về làng quê thời thơ ấu; trong đó, mỗi nhân vật, mỗi tính cách giống như một sợi chỉ mầu đan chặt vào nhau.

Quen mà lạ, chọn kể về làng quê và những con người, số phận vui buồn nhưng ở mỗi tác phẩm, tác giả lại có một cách khai thác khác nhau, vậy nên, người đọc không thấy cũ kỹ, nhàm chán. Thay vào đó là cảm giác thân thương như bắt gặp chính tuổi thơ của mình trong đó.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Từ năm 14 tuổi, tôi đã sống xa quê cho tới tận bây giờ. Tuổi thơ của tôi gói gọn từ ngày mới sinh đến năm rời đi. Nhớ về tuổi thơ, tôi nhớ quê nhà, nhớ quãng thời gian sống trong gia đình với bố mẹ, các em, bà con thân thuộc, bạn bè, thầy cô giáo, với ngôi nhà tranh, tàu lá chuối sau vườn, cây cau trước ngõ… Mỗi lần viết về tuổi thơ tại ngôi làng Đo Đo, tôi luôn thấy lòng xao xuyến. Những gương mặt thân quen lần lượt hiện lên từ trang sách này đến trang sách khác, giống như mình thật sự được quay trở về ngày cũ. Viết sách về chủ đề này, trước tiên tôi đã tự mua cho bản thân một chiếc vé quay lại thời thơ ấu. Khi đó, những trang sách là phản quang của kỷ niệm".

Với "Mùa hè không tên", một lần nữa nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thể hiện rõ sự luyến lưu với tuổi thơ, điều ông tự nói là đã ám ảnh mình suốt mấy chục năm rời Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Nguyễn Nhật Ánh hay nói, "tuổi thơ" đối với ông là câu chuyện dài bất tận cho nên hơn 40 năm nay, ông viết đi viết lại về nó mà vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Cuốn sách này một lần nữa giúp ông khám phá thêm những góc rất đẹp của ký ức ấu thơ, giai đoạn mà khi nghĩ lại ai trong chúng ta cũng đều dễ thấy tiếc nuối, vấn vương.

Trong tác phẩm mới nhất của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có viết: "Ờ, mùa hè đặc biệt của tôi cần gì phải khoác một cái tên riêng khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ - như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời". Cũng như người viết, mùa hè và tuổi thơ đã để lại trong lòng độc giả nhiều kỷ niệm khó phai.

Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, người ta nghĩ ngay đến một nhà văn chuyên viết về tuổi thơ. Thi thoảng, ông có ra khỏi "vùng sáng tạo" để tìm những khám phá, thử thách, trải nghiệm mới. Nhưng khi đã chọn đề tài tuổi thơ là "ADN sáng tạo" thì đi đâu rồi rốt cuộc, ông cũng quay về cội nguồn sáng tạo của bản thân.

Ở đó, người đọc cảm nhận rõ sự hạnh phúc, nhớ thương trong từng câu chữ, tình tiết dù truyện kết thúc đẹp hay buồn. Như đoạn cuối trong bài thơ mà tác giả mở cuốn sách vừa xuất bản: "Bây giờ thì tôi đã biết. Thời gian lăn bánh mất rồi. Chim bay về phía xa xôi. Trang sách níu ngày thơ dại…".

Thế nhưng, nếu chỉ có làng quê là bối cảnh, trẻ con là nhân vật và những điều xảy ra chung quanh các cô cậu nhỏ trong cuộc sống hằng ngày thì không đủ để nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tạo nên sức hút cho rất nhiều tác phẩm cùng chủ đề.

Có lẽ, điều khiến bạn đọc mê mẩn sách của Nguyễn Nhật Ánh chính là cách ông truyền tải thông điệp sống tích cực trong từng câu chuyện nhỏ, cách người đối xử với người cả khi nghịch cảnh vẫn đậm màu vị tha, thương cảm. Sự tử tế là thông điệp xuyên suốt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong tất cả các tác phẩm của mình.

Đọc sách Nguyễn Nhật Ánh, người ta thấy nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ cảm là vậy. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay nói vui rằng, sách viết về tuổi thơ giống như "vitamine tâm hồn" cho bạn đọc. Vậy nên, ông luôn tìm cách giữ gìn chất lượng của loại vitamine đặc biệt ấy cho chính mình, cho mọi người bằng cách gieo vào những hạt mầm tử tế.

Truyện của ông dù buồn hay vui đều cổ vũ cho lối sống đẹp, sống tử tế với nhau, thể hiện rõ trong cách cư xử, tinh thần sẻ chia của các nhân vật. Viết nhiều về điều tử tế, về những tác phẩm trong trẻo, tinh khiết của tuổi thơ cũng là cách tác giả lựa chọn để gột bỏ bớt bụi bặm đời thường, tự thanh lọc tâm hồn, giữ lại cho mình những điều tươi đẹp nhất.