Những ngày cận Tết, nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết bận rộn hơn với những buổi giới thiệu về món ăn truyền thống của người Hà Nội trên truyền hình, hay với các khách hàng trong và ngoài nước. Lịch làm việc khá bận rộn với nhiều đối tượng, nhưng nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết rất vui, vì qua công việc, bà gặp lại được nhiều người nặng tình với ẩm thực Hà thành. Nghệ nhân Ánh Tuyết tâm sự: "Có một khách hàng Việt kiều khi xem tôi giới thiệu về món ăn ngày Tết trên kênh truyền hình VTV4 đã tìm đến gặp tôi với bao nhiêu tâm sự. Vị khách ấy xa quê đã 47 năm, xưa nhà ở phố Hàng Bún. Ông ấy bảo rằng khi xem tôi làm món lòng gà xào dứa đã rưng rưng sống lại ký ức thủa nhỏ, mỗi độ Tết đến cụ thân sinh ông ấy lại làm món ăn này. Có lẽ, cuộc sống làm chúng ta xao nhãng những giá trị văn hóa mà ta đang có. Khi xa quê, người ta mới thật sự cảm nhận được giá trị của mâm cỗ Tết".
Nghệ nhân Ánh Tuyết là con gái phố cổ. Gia đình bà định cư tại
Thăng Long - Kẻ Chợ đã được bảy đời. Từ khi còn mấy tuổi, cô bé Ánh Tuyết đã được bà ngoại chỉ bảo cho cách nấu nướng, từ những việc nhỏ nhặt nhất như nhặt rau, cho đến chọn lựa thực phẩm, cách nấu nướng theo mùa... sao có lợi nhất cho sức khỏe con người. Bà ngoại của nghệ nhân cũng là người rất kỹ tính. Có lần làm món gà om nấm, tẩm xong đem rán ngay, bà ngoại nghe tiếng mỡ sôi nhanh quá, bèn cho cô bé một cái cốc đầu vì vừa ướp xong đã rán ngay như thế thì làm sao gia vị kịp ngấm. Ngoài cách chế biến, Tuyết còn được bà dặn dò kỹ lưỡng rằng mâm cơm dù ít, dù nhiều món, dù cỗ hay ngày thường đều cần chú ý cách bài trí món ăn sao cho tinh tế, đẹp mắt... Cứ thế, những nét văn hóa ẩm thực ngấm dần theo thời gian và lớn lên cùng năm tháng. Mỗi lần trổ tài nấu nướng cho gia đình, bạn bè, ai cũng "xúi" Ánh Tuyết mở nhà hàng. Năm 2001, bà "thử" đem một món ăn đi "so tài" trong liên hoan ẩm thực ở Khách sạn Horizon, thế là được trao Huy chương vàng. Ðiều đó càng thôi thúc nghệ nhân mở một cửa hàng nho nhỏ, vừa kinh doanh, vừa tạo một địa chỉ văn hóa góp phần giới thiệu, quảng bá món ăn Hà Nội. Những món ăn mà nghệ nhân Ánh Tuyết chế biến đều là những món ăn truyền thống của người Hà Nội, có thể kể đến một số món độc đáo như: Giò lưỡi tai, giò lụa, xôi dị, cá quả cuốn thịt, đặc biệt là nem Hà Nội với 15 món, mỗi món là một hương vị khác nhau...
Căn gác hai của gia đình nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết trên phố Mã Mây được bài trí theo cách của người Hà Nội xưa, một không gian cổ kính, nơi có những bức hoành phi, câu đối, những pho tượng cổ... Khiêm tốn trong một góc nhà, là những tấm bằng khen, giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân của nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết. Trong không gian ấy, khách hàng được hướng dẫn, giới thiệu về từng món ăn, rồi được thưởng thức những món ăn do chính tay người phụ nữ Tràng An này chế biến.
Trong nghệ thuật ẩm thực, những tinh hoa của người Hà Nội được dồn vào mâm cỗ Tết. Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội phải đầy đủ sáu bát, tám đĩa. Thông thường, sáu bát gồm: măng, bóng, mực, miến, nấm thả, mọc; tám đĩa thường có cá trắm kho, thịt gà, chả quế, giò lụa, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, dứa xào với lòng gà. Ngoài ra, còn có một số món tráng miệng. "Các món ăn của người Hà Nội đều cầu kỳ, tinh tế ở cả ba khâu: lựa chọn nguyên liệu, chế biến và thưởng thức. Tôi có thể lấy thí dụ đơn giản nhất trong ngày Tết là món chè kho. Ðể làm món này, phải chọn đỗ ngon, vo, đồ, giã, chà xát cho mịn rồi mới quấy thành chè. Riêng khâu quấy cũng rất cầu kỳ, phải mất ba đến bốn tiếng mới xong được một nồi chè kho, để khi ăn, cứ đặt lên miệng là chè tan ra. Chính sự cầu kỳ này cho nên việc nấu nướng được coi là "thước đo" đánh giá sự khéo léo của các cô gái Hà Nội xưa".
Từ ngày mở nhà hàng ẩm thực, nghệ nhân Ánh Tuyết tiếp xúc với rất nhiều khách quốc tế. Có những vị khách khi mới đến Hà Nội thắc mắc rằng họ thấy rất buồn, vì Tết ở Hà Nội, ngoài đường vắng vẻ. Nghệ nhân ôn tồn giải thích rằng: Ngày Tết, người Việt Nam dành thời gian quây quần bên gia đình, chuẩn bị mâm cỗ tất niên. Sang đến ngày mồng Một, những phụ nữ chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Tất cả những gì ngon nhất, tinh túy nhất được thể hiện trong mâm cỗ Tết. Sau đó, các thành viên trong gia đình chúc Tết những người cao tuổi, nếu không còn ông bà thì anh em, họ hàng sẽ tập hợp tại nhà người con trai cả. Khi hiểu điều này, những người bạn đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Ðức... đều tỏ ra rất trân trọng những giá trị riêng của Tết Việt. Tuy nhiên, trong khi người nước ngoài rất coi trọng giá trị văn hóa của Tết Việt thì chính một bộ phận người Việt lại có hiện tượng "quay lưng" với truyền thống. Ðiều này khiến một người tâm huyết như nghệ nhân Ánh Tuyết không khỏi bận lòng: "Giờ một phần do sức ép của cuộc sống, không phải gia đình Hà Nội nào cũng chuẩn bị được mâm cỗ ngày Tết như xưa. Nhiều món ăn vốn của Hà Nội có nguy cơ thất truyền. Hội nhập là điều tốt, nhưng tôi cho rằng, trong một năm, mình đã hòa nhập với thế giới 365 ngày rồi, nên dành mấy ngày Tết ít ỏi để trở về với cội nguồn".
Những năm gần đây, ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến học chế biến các món ăn của nghệ nhân Ánh Tuyết. Phần lớn họ là những người đi qua nhiều nước, thưởng thức nhiều món ngon, nhưng luôn dành sự ngưỡng mộ với những món ăn truyền thống của người Hà Nội như canh bóng, riêu cua, riêu cá, bún chả, bún thang, cá hấp, nấu các loại xôi, làm các loại giò... Việc dạy nấu ăn giúp văn hóa Việt được quảng bá rộng rãi hơn với bạn bè quốc tế. Nhưng nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn mong có nhiều người Việt đến với lớp dạy nấu ăn của bà, bởi bà tâm niệm người Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng cần nhận thức, đánh giá đúng hơn về giá trị văn hóa ẩm thực của mình.