Thành tích ấn tượng của Thảo Cầm viên Sài Gòn

Thảo Cầm viên Sài Gòn đã được hình thành cách nay 151 năm, là một trong 10 công viên lâu đời nhất trên thế giới, nơi lưu giữ nhiều loại động, thực vật quý hiếm thậm chí có những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây, Thảo Cầm viên Sài Gòn đã ghi thêm một kỳ tích khi nhân giống thành công ba con hổ Bengal lông trắng.

Cán bộ Thảo Cầm viên Sài Gòn giới thiệu với Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân một cá thể hổ trắng vừa được nhân giống thành công.
Cán bộ Thảo Cầm viên Sài Gòn giới thiệu với Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân một cá thể hổ trắng vừa được nhân giống thành công.

Lưu giữ nhiều động, thực vật quý hiếm

Trong khi người dân TP Hồ Chí Minh hồ hởi đón nhận thông tin về ba thành viên hổ Bengal lông trắng mới sinh, thì hơn một tháng qua, cán bộ, kỹ sư Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn (Thảo Cầm viên Sài Gòn) phải ngày đêm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn cho chúng. Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo Cầm viên Sài Gòn cho biết, đây là một kỳ tích, nhưng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trong mấy ngày đầu gặp nhiều khó khăn vì có một con trong đàn bị yếu. Theo tập tính của động vật hoang dã và cũng là sự chọn lọc tự nhiên, hổ mẹ sẽ bỏ nuôi con yếu, chỉ nuôi các con khỏe. Đây là loài hổ trắng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, đứng đầu trong danh sách những loài cần được bảo vệ. Do đó, đơn vị phải nuôi con yếu bằng các loại sữa, kể cả bình dành riêng cho mèo, để cho hổ con bú. Sau thời gian nỗ lực chăm sóc, hai con hổ con đều khỏe và đã biết chơi đùa với mẹ. Qua kiểm tra sức khỏe toàn diện và cân thử, một con đạt 3,7 kg và con kia nặng 3,8 kg. Riêng con được nuôi bằng sữa ngoài, sức khỏe tốt hơn, cân nặng đạt 4,1 kg.

Cách nay 5 năm, Thảo Cầm viên Sài Gòn đã nhập hai con hổ lông trắng (một hổ đực và một hổ cái) từ vườn thú Elmvale (Ca-na-đa) về thuần dưỡng. Đây là loài hổ phân bố và sinh sống tại các nước như: Băng-la-đét, Ấn Độ, Bu-tan, Trung Quốc, Nê-pan. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), số lượng hổ từ năm 1900 đến 2013 giảm từ 100.000 con xuống 3.200 con và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, việc nuôi dưỡng cặp hổ trắng sống khỏe mạnh đến nay là đã thành công, nay chúng lại sinh được ba hổ con lông trắng là rất hiếm. Điều này cho thấy loài hổ Bengal đã thích nghi tốt với khí hậu của miền nam nước ta.

Giám đốc Xí nghiệp Động vật của Thảo Cầm viên Sài Gòn Phạm Diệp Ngân “bật mí”, ngoài con đực được nuôi theo chế độ đặc biệt, hai con do hổ mẹ trực tiếp nuôi cũng được lắp ca-mê-ra theo dõi 24/24 giờ để theo dõi tình trạng sức khỏe của cả hổ mẹ, hổ con. Du khách đến tham quan hai con hổ trắng mới sinh cũng có thể theo dõi trực tiếp bằng màn hình lớn ngay trước cửa chuồng hổ mẹ. Những người may mắn còn có thể chạm tay vào con hổ con, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ vì chúng quá dễ thương.

Trước đó, Thảo Cầm viên Sài Gòn đã nuôi sinh sản thành công nhiều loài động vật quý hiếm như: Trĩ sao, cá sấu nước mặn, vẹt trắng của Ô-xtrây-li-a và hổ Đông Dương. Hiện, Thảo Cầm viên Sài Gòn có bộ sưu tập rất phong phú với gần 1.000 loài thực vật thuộc hơn 100 họ và 123 loài động vật thuộc các lớp chim, thú, bò sát. Trong số này có hơn 100 loài động vật nằm trong danh sách các loài quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Về thực vật, có 20 loài thực vật quý hiếm, nhiều cây đã “thọ” hơn 200 tuổi như: Sao, Dầu, Gõ đỏ, Giáng hương, Lòng mang lá cò ke, cây Mét… có thể đưa vào danh sách cây di sản.

Thu hút khách tham quan, giới nghiên cứu

Thành tích nuôi, cho sinh sản thành công nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là ba con hổ lông trắng của tập thể cán bộ, kỹ sư, nhân viên Thảo Cầm viên Sài Gòn đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh khen thưởng đột xuất, tặng Bằng khen và năm triệu đồng. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, thành công này là cơ sở cung cấp cho các nhà nghiên cứu, đồng thời phải lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “nhân giống” để các bộ, ngành trong nước và thế giới biết đến Thảo Cầm viên Sài Gòn. Đây cũng là thông điệp, cam kết mạnh mẽ của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc nỗ lực chăm sóc, bảo vệ các loài động vật quý hiếm, động vật hoang dã và bảo vệ môi trường thiên nhiên; kiên quyết đấu tranh với vấn nạn săn trộm, dùng các bộ phận động vật như sừng tê giác, cao hổ… làm thuốc bất hợp pháp.

Suốt 40 năm qua, kể từ khi miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Thảo Cầm viên Sài Gòn là địa chỉ lý tưởng để nhiều trường đại học như Nông Lâm, Khoa học Tự nhiên, Y dược... triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về động, thực vật. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần vào việc bảo vệ giống loài, bảo tồn nguồn gen và duy trì sự đa dạng các loài trong tự nhiên. Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng hợp tác với các chuyên gia Vườn thú Munster (Cộng hòa Liên bang Đức) để huấn luyện sáu con voi châu Á biểu diễn cho du khách xem miễn phí vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; trao đổi với Vườn thú Xin-ga-po để nhận hai đôi hổ Đông Dương với hy vọng sẽ thành lập một trung tâm nhân giống, bảo tồn loài này trong thời gian tới...

Kể từ khi thành lập vào năm 1864 đến nay, dù diện tích có lúc rộng, khi hẹp; các loài thú khi ít, khi nhiều…, nhưng thời nào, Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng là nơi được đông đảo người dân thành phố và du khách chọn làm địa chỉ tham quan, tìm hiểu các loài chim muông, cây cỏ. Tiến sĩ Phan Việt Lâm cho rằng, thực chất Thảo Cầm viên Sài Gòn chủ yếu mang tính phục vụ, đối tượng chính là các cháu thiếu nhi. Vào những ngày cuối tuần, ngày lễ lớn trong năm, các cháu thiếu nhi có thể tham quan, chụp hình, thậm chí vuốt ve với một số loài thân thiện như dê lùn, cừu… như những loài thú cưng nuôi tại nhà. Số lượng khách đến Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng tăng nhanh. Nếu như năm 2004 là 600.000 lượt người, thì năm 2014 đã có là 2,4 triệu lượt khách tham quan, đạt doanh thu 66 tỷ đồng, cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay 300 cán bộ, nhân viên Thảo Cầm viên Sài Gòn đang gặp khó khăn do chuyển sang cơ chế tự thu, tự chi.

Để Thảo Cầm viên Sài Gòn tiếp tục phát triển, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, với lợi thế của mình, Thảo Cầm viên Sài Gòn cần khai thác, phát huy tốt lợi thế, tiềm năng sẵn có của mình. Mỗi năm chỉ đón 70 đến 80 nghìn học sinh, (so với hàng triệu học sinh của thành phố) đến tham quan, học tập là quá khiêm tốn. Cần quan tâm hơn nữa để giới trẻ đến tham quan, tìm hiểu, học tập…, từ đó có chuyển biến về nhận thức trong việc chăm sóc, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Về lâu dài, để các em quen dần, tôn trọng và sống gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên.

Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay thì Thảo Cầm viên Sài Gòn là nơi lý tưởng lưu giữ các giá trị văn hóa khá độc đáo của thành phố và cả nước. Do đó, cần nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. “Thành phố dứt khoát không di dời, không cắt đất công viên này để chuyển thành bất động sản, mà chỉ tôn tạo cho tốt lên”, đồng chí Lê Hoàng Quân khẳng định.