Những thư viện “0 đồng”

Với người yêu sách ở Thành phố Hồ Chí Minh, các thư viện “0 đồng” là điểm đến lý tưởng vào dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi. Tại đây, ai cũng có thể đọc sách miễn phí và mượn về nhà với hình thức “đặt cọc niềm tin”. Những cuốn sách hay được truyền tay, giúp duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện mini cô Ba của chị Huỳnh Thanh Thảo đã hoạt động được 15 năm.
Thư viện mini cô Ba của chị Huỳnh Thanh Thảo đã hoạt động được 15 năm.

Cách đây sáu năm, mô hình xe buýt sách lần đầu tiên xuất hiện tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người tò mò, thích thú. Xe buýt sách mô phỏng từ tuyến xe số 8 - tuyến gắn liền với các sinh viên trên địa bàn thành phố, phía trong là mô hình thư viện mini với đầy đủ kệ gỗ, bàn ghế phục vụ đọc sách tại chỗ. Phụ trách chính tại xe buýt này là các tình nguyện viên thuộc dự án “Sách truyền tay”.

Mọi dịch vụ tại đây đều được cung cấp miễn phí với mong muốn tạo thêm không gian đọc sách thú vị cho người dân ngay giữa lòng thành phố. Khách tìm đến xe buýt sách nhiều nhất là bạn trẻ và thiếu nhi. Vậy nên, bên cạnh việc cung cấp các đầu sách đa dạng thể loại, nhóm tình nguyện viên còn chuẩn bị giấy và bút mầu để các bạn nhỏ vui chơi khi có dịp ghé thăm. Không chỉ đến đọc, mượn sách, nhiều người còn tặng sách cho dự án như một cách đồng hành.

Từ vài trăm cuốn sách được nhà hảo tâm gửi tặng ban đầu, sau ba năm vận hành, đến nay, Thư viện cộng đồng của dự án phi lợi nhuận Nhà nhiều lá (đường Hòa Hưng, Phường 12, Quận 10) đã có gần 4.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Thư viện mở cửa từ sáng đến tối để mọi người chọn khung giờ phù hợp đến đọc và mượn sách. Có một đội cộng tác viên phụ trách khâu tiếp nhận sách từ nhà hảo tâm, phân loại và sắp lên kệ theo các mục chia sẵn. Khách đến Nhà nhiều lá chỉ cần “đặt cọc niềm tin” là đủ điều kiện mượn tối đa hai cuốn sách trong vòng 20-30 ngày.

Sau khi tham gia một hoạt động trải nghiệm về bảo vệ môi trường do Nhà nhiều lá tổ chức, không lâu sau, Nguyễn Võ Xuân Hiển (sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng) đăng ký vào danh sách cộng tác viên chính thức tại thư viện cộng đồng. Trong tuần, một số ngày, khi không bận lịch học, Hiển sẽ đến đây làm thủ thư và phụ rà soát kho sách trên hệ thống số. Nhìn vào thông tin cập nhật trên máy tính, Hiển biết rõ số sách hiện có trong kho, sách trên kệ, sách chưa trả.

“Tại đây, tụi em nâng niu từng cuốn sách nhà hảo tâm các nơi gửi về nhưng không bao giờ yêu cầu người mượn phải đóng tiền cọc để làm tin. Tụi em tin các bạn sẽ tiếp tục gia tăng vòng đời cho những cuốn sách ý nghĩa này. Từ ngày vận hành đến nay, điều may mắn là số sách trong thư viện ngày một tăng, người đến đọc tại chỗ và mượn về cũng nhiều hơn. Tụi em rất vui khi lan tỏa được niềm vui đọc sách đến mọi người”, Hiển phấn khởi cho hay.

Ban đầu chỉ dự định phục vụ độc giả tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động, thư viện cộng đồng của Nhà nhiều lá quyết định mở thêm kênh mượn sách trực tuyến để bạn đọc ở mọi miền đất nước đều có thể tiếp cận. Đội ngũ cộng tác viên dành nhiều tuần liền cho việc chụp ảnh bìa, tóm tắt thông tin và tạo mã gắn lên từng cuốn sách trước khi tích hợp vào đường dẫn trên hệ thống chung.

Khi đó, người mượn chỉ cần nhấn vào đường dẫn cung cấp trên trang chủ của Nhà nhiều lá, chọn cuốn sách cần đọc và chờ đợi. Nhà nhiều lá sẽ đóng gói và gửi sách đến tận nhà người mượn. Thời gian mượn sách trực tuyến kéo dài từ một tháng đến 1,5 tháng với vài thao tác đơn giản.

Không dừng lại ở mô hình thư viện cộng đồng như hiện tại, Nhà nhiều lá còn đưa sách đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Sau tủ sách đã trao tặng tại Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận và Kon Tum, trong năm nay, Nhà nhiều lá sẽ tiếp tục đưa tủ sách “0 đồng” đến với trẻ em nghèo tại tỉnh Bình Định và Quảng Nam. Mỗi tủ sách có gần 1.000 cuốn, được lựa chọn kỹ càng và điểm trao tặng thường là những trường học khó khăn, nơi chưa có thư viện hoặc thiếu sách trầm trọng.

Việc duy trì những thư viện “0 đồng” trong thời gian dài là điều không hề đơn giản. Thế nhưng, tại huyện Củ Chi, có một thư viện miễn phí dành cho trẻ em đã hoạt động 15 năm được rất nhiều người tìm đến, đó là Thư viện mini cô Ba của chị Huỳnh Thanh Thảo (38 tuổi). Chất độc da cam và chứng xương thủy tinh khiến chị Thảo phải di chuyển bằng xe lăn từ nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày.

Không được tới trường như bạn bè đồng trang lứa, chị tìm đến sách để tiếp cận kiến thức từ thế giới chung quanh. Người thân, họ hàng biết chị Thảo thích sách nên gửi tặng rất nhiều. Đến khi sách trong nhà đã chật kệ, một ngày nọ, chị quyết định làm thư viện nho nhỏ, mở cửa để trẻ em vào đọc thỏa thích. Khi chị Thảo chia sẻ về thư viện miễn phí này, nhà hảo tâm các nơi gửi tặng sách rất nhiều.

Thư viện hiện có hơn 6.000 đầu sách được phân loại cẩn thận, đáp ứng tốt nhu cầu tiếp cận của trẻ em trong khu vực. “Bên cạnh việc cho đọc sách hoặc mượn về miễn phí, mỗi tháng, tôi cùng các tình nguyện viên luôn sắp xếp, tổ chức các hoạt động kết nối để các em nhỏ có thêm sân chơi. Chúng tôi còn dạy cho các em kỹ năng mềm hoặc thiết kế những trò chơi thú vị. Từ ngày có thư viện này, trẻ con sống quanh đây hay ghé nhà tôi chơi, vui lắm. Tôi sẽ tìm thêm nhiều hoạt động để khuyến khích các em nhỏ đến với thư viện này”, chị Thảo chia sẻ.