Sổ tay nghề nghiệp cho người khuyết tật

Với mong muốn ngày càng nhiều người khuyết tật chọn đúng ngành, học đúng nghề, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (gọi tắt là DRD) phối hợp nhóm cựu sinh viên Australia thực hiện dự án “Cải thiện việc làm hòa nhập cho người khuyết tật thông qua giáo dục nghề nghiệp”. Dự án tiếp cận cộng đồng người khuyết tật bằng “Sổ tay nghề nghiệp” trên nền tảng công nghệ số.
0:00 / 0:00
0:00
Sổ tay nghề nghiệp trên nền tảng công nghệ số sẽ giúp nhiều người khuyết tật có thể chọn đúng ngành, học đúng nghề hơn.
Sổ tay nghề nghiệp trên nền tảng công nghệ số sẽ giúp nhiều người khuyết tật có thể chọn đúng ngành, học đúng nghề hơn.

Theo báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện có đến 99,9% số người khuyết tật không tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng và tỷ lệ người khuyết tật chưa qua đào tạo nghề ở nước ta chiếm gần 93%. Ðiều này, khiến cho 68,3% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Ngoài ra, số liệu thống kê từ DRD cho thấy, có đến 90% số người khuyết tật chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ. Thiếu thông tin và kênh tư vấn, hỗ trợ kịp thời, phần lớn người khuyết tật chọn nghề nghiệp hoặc ngành học theo kiểu rập khuôn như: Công nghệ thông tin chỉ phù hợp người khuyết tật vận động, mát-xa phù hợp người khiếm thị, công việc chân tay phù hợp người điếc…

Ngay cả khi vào đại học, người khuyết tật cũng thường chọn chuyên ngành giáo dục đặc biệt để cảm thấy an toàn. Thế nhưng, việc lựa chọn ngành nghề không tương thích với năng lực và dạng tật đã đẩy không ít người khuyết tật rơi vào tình trạng học xong thì thất nghiệp do không thể đáp ứng yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

Theo Phó Giám đốc DRD Nguyễn Văn Cử, người khuyết tật khi quyết định học nghề nào là dành hết niềm tin vào đó, cho nên khi học xong lại không kiếm được việc làm, họ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, mất niềm tin vào cuộc sống.

Là một trong các thành viên tham gia dự án, ông Cử cho biết: “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho người khuyết tật” cung cấp thông tin tham khảo dựa trên phân tích đặc điểm dạng tật, mức độ khuyết tật và mô tả các ngành nghề cụ thể nhằm tạo cơ sở đối chiếu cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, trước khi bước vào quá trình chọn ngành nghề, người khuyết tật phải xác định được năng lực, sở thích, tính cách, giá trị và đặc điểm khuyết tật của mình. Sau khi hiểu rõ từng thế mạnh, điểm yếu của bản thân, người khuyết tật sẽ tham khảo các kênh tư vấn hướng nghiệp mà sổ tay cung cấp để được hỗ trợ kịp thời.

Sổ tay có ba phần, gồm: Thông tin các nghề nghiệp và gợi ý về sự phù hợp đối với các dạng khuyết tật; thông tin về các trường cao đẳng nghề, kèm theo danh sách các ngành đào tạo, chính sách tuyển sinh và hỗ trợ học viên là người khuyết tật; thông tin các tổ chức, nguồn hỗ trợ người khuyết tật và các phần mềm hỗ trợ theo từng dạng khuyết tật. Sổ tay cung cấp danh sách 64 ngành nghề được chọn lọc kỹ lưỡng dựa vào mô tả ngành học theo chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam và kinh nghiệm có được sau nhiều năm DRD hợp tác với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Kinh nghiệm quốc tế trong lựa chọn ngành nghề cho người khuyết tật cũng được những người tham gia dự án lần này tham khảo, học tập. Là sổ tay trên nền tảng số, thiết kế theo hướng mở; danh sách ngành nghề sẽ tiếp tục được cập nhật nhằm giúp người khuyết tật có cái nhìn tổng quan và đầy đủ nhất về các ngành nghề phù hợp.

Theo bà Ðặng Thị Uyên Phương, giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Ðức, việc tập huấn, trang bị thêm kiến thức về người khuyết tật cho các giảng viên, nhân viên làm công tác tư vấn tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết. Quá trình này có thể lồng ghép vào các buổi tập huấn tư vấn tuyển sinh mà mỗi trường đã và đang tổ chức định kỳ cho giảng viên, nhân viên phụ trách lĩnh vực này. “Ðể người khuyết tật khi đến với các trường được hỗ trợ kịp thời và đúng hướng thì tất cả giảng viên, nhân viên có tham gia tư vấn tuyển sinh phải được tìm hiểu kỹ thông tin về các dạng tật cũng như những ngành nghề nào phù hợp từng dạng tật đó. Họ phải hiểu thì mới tư vấn ngành nghề phù hợp cho người khuyết tật”, bà Phương đề xuất.

Ðánh giá cao tính tiện dụng của “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho người khuyết tật”, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Huy Ðức cho rằng: Ðây là công cụ hữu ích cho công tác tư vấn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khi nắm rõ ngành học nào phù hợp các dạng tật cụ thể của người khuyết tật, các trường sẽ thôi lặp lại câu hỏi “Không biết người khuyết tật có thể học được ngành nào”.

Thế nhưng, có sổ tay thôi chưa đủ mà cần phải tăng cường truyền thông về công tác tư vấn tuyển sinh cho người khuyết tật tại các trường. Việc này sẽ thuận lợi hơn nếu các trường có hẳn chỉ tiêu tuyển sinh người khuyết tật cụ thể theo từng năm. DRD cho hay: Phát hành sổ tay chỉ mới là bước khởi đầu của dự án. Ðơn vị triển khai sẽ chuyển thông tin này đến tất cả các bên liên quan; đồng thời, tập trung xây dựng mạng lưới quảng bá sổ tay cũng như tạo hệ sinh thái hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật trong việc chọn nghề nghiệp đúng nhu cầu, khả năng.