Kinh tế tuần hoàn, hướng phát triển bền vững

Với nhiều lợi thế, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động khai thác tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng nhìn chung, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những bất cập, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trình độ khoa học-công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, vẫn tồn tại nguy cơ tụt hậu. Ngoài ra, địa phương cũng đang đối mặt với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường, đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Vì thế, việc thành phố chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh được xem là giải pháp quan trọng để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, thành phố có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, thành phố có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, thương mại, giáo dục, quản trị và liên kết quốc tế. Ðây là nền tảng thuận lợi để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Hiện, thành phố có khoảng 400.000 doanh nghiệp, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, địa phương còn có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ khoa học-công nghệ cao, có thương hiệu, có năng lực đổi mới sáng tạo, tạo động lực trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thành phố cũng được xem là trung tâm giáo dục-đào tạo tri thức lớn cả nước và từng bước trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo trong khu vực, với hơn 50 trường đại học, học viện, gần 600 nghìn sinh viên đang theo học.

Ðồng thời, thành phố là trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất, với khả năng sáng tạo và trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến là chất liệu quý để phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thành phố cũng gặp những thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn như chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đủ năng lực đầu tư công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; các doanh nghiệp, tập đoàn có công nghệ sạch, tiên tiến, ứng dụng khoa học-công nghệ cao trong sản xuất; khung thể chế và chính sách cụ thể về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện, còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn...

Theo nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Phạm Bình An và cộng sự Thạc sĩ Trần Nhật Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, có tiềm năng và lợi thế phát triển, có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, đầu tư công nghệ mới vào các ngành, các lĩnh vực.

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, 98% số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh là vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp nền kinh tế tuần hoàn là thách thức không nhỏ nếu không có chính sách từ các cấp chính quyền, cũng như sự tham gia của các đối tác có công nghệ cao trên thế giới.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều rào cản và thách thức cho việc chuyển đổi nhưng đây là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững. Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng khoa học-công nghệ trong mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều hiệu quả quan trọng như tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm tác động môi trường, tiết kiệm chi phí và tài nguyên, tạo ra cơ hội kinh doanh mới, nâng cao sự cộng tác và chia sẻ kiến thức, và đạt được phát triển bền vững.

Việc áp dụng khoa học-công nghệ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn thông minh và bền vững cho tương lai. Thành phố cũng cần tập trung mọi nguồn lực chất xám cả trong và ngoài thành phố nghiên cứu đề xuất Trung ương có cơ chế đặc thù phù hợp cho việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn; khai thác mạnh mẽ ba nguồn lực cốt lõi và là thế mạnh của thành phố là đất đai, con người và công nghệ.

Bên cạnh đó, thành phố phải dần hoàn thiện chính sách và đưa ra các giải pháp bao trùm nhằm tạo lập được môi trường thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, carbon thấp. Thành phố cần thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các trung tâm đổi mới để tập trung nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn; ứng dụng, triển khai công nghệ mới vào sản xuất.

Ðồng thời, tận dụng và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ mới, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển, đi trước với nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Ðây được xem là chìa khóa để thành phố rút ngắn, đẩy nhanh quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng đến nền kinh tế xanh và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.