An toàn thực phẩm trước cổng trường

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân là điều luôn được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, sâu sát. Vì lẽ đó, Sở An toàn thực phẩm thành phố luôn tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi tiềm ẩn nguy cơ liên quan ngộ độc thực phẩm, nhất là hàng rong trước cổng trường, căng-tin trường học, bếp ăn tập thể…
0:00 / 0:00
0:00
Hàng rong trước cổng trường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Hàng rong trước cổng trường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngày nào cũng vậy, trước giờ vào lớp và lúc ra về, tại hầu hết các khu vực trước cổng trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn xuất hiện những người bán hàng rong, điểm kinh doanh tự phát với nhiều món ăn hấp dẫn và rất thu hút học sinh. Tại cổng Trường tiểu học Trương Công Ðịnh (Quận 6), thức ăn sáng đa dạng, phong phú từ xôi, bánh mì, cơm chiên đến các loại thức ăn nhanh với giá từ 15.000-20.000 đồng/phần.

Một quầy hàng kinh doanh hamburger, gà lắc phô-mai, xúc xích... còn khuyến mãi thêm ly trà sữa, nước ngọt tùy chọn được khá đông học sinh chờ mua. “Sáng nào con cũng mua đồ ăn trước cổng trường vì hợp khẩu vị, nhiều món để lựa chọn mà giá lại rẻ. Cũng có hôm ăn xong cũng thấy hơi đau bụng, nhưng chỉ chút xíu là hết nên con nghĩ chắc không sao”, em Hiền, học sinh lớp 2 cho biết.

Trên đường Trần Quốc Toản (Quận 3) có hai trường học cấp 1 và cấp 2 sát nhau. Ðây cũng là “bến đỗ” của rất nhiều hàng rong, xe đẩy. Chia nhau bịch bánh tráng trộn được người bán trộn với khô bò, trứng cút, xoài bằm, hành phi…, chan thêm chút nước mầu đỏ đã ngả đen, các em học sinh đứng ăn ngon lành. Có em còn mua thêm trà sữa, các loại nước si-rô đá bào mầu xanh, đỏ uống giải nhiệt mùa nắng nóng.

Theo quan sát, hầu như các loại thực phẩm này đều không có bao bì, nhãn mác. Người bán cho biết mua nguyên liệu ở chợ, sau đó chiết ra chai nhỏ, mang theo bán cho tiện nên không có nhãn hiệu. Trong khi đó, những vụ ngộ độc tập thể liên quan hàng rong trước cổng trường, trong đó bệnh nhân chủ yếu là học sinh đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, càng làm dấy lên lo ngại của phụ huynh. “Tôi muốn nấu cho con ăn sáng hoặc mua đồ ăn chế biến sẵn ở siêu thị nhưng con không thích, vì muốn đến trường ăn cùng với các bạn. Thật sự, đưa con đi học mà cũng lo lắng quá vì không biết những hàng ăn chung quanh trường có bảo đảm không, có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát với những hàng rong này”, chị Minh Phương (42 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bộc bạch.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024” với chủ đề “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Chương trình kéo dài đến ngày 15/5/2024. Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: Thời điểm nắng nóng hiện nay tiềm ẩn rất nhiều mối nguy mất an toàn thực phẩm.

Do đó, Sở đẩy mạnh các hoạt động xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn; cải cách hành chính cùng các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo đảm an toàn thực phẩm. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tăng cường các lực lượng chuyên ngành và liên ngành với tất cả 21 quận, huyện và thành phố Thủ Ðức. Liên quan vấn đề hàng rong, bà Lan nói: Từ trước đến nay, nếu là các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, còn hàng rong (còn gọi là thức ăn đường phố) phần lớn đều mua bán nhỏ lẻ nên không có các loại giấy này, vì vậy, luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Trong những vụ việc phát hiện ngộ độc thực phẩm gần đây, phần lớn đều do vi khuẩn. Theo bà Lan, việc quản lý thức ăn đường phố, thành phố không hề buông lỏng. Toàn thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố; trong đó, có một số phân bổ chung quanh trường học để nhắm vào đối tượng học sinh, nhất là bậc tiểu học. Quản lý thức ăn đường phố được phân cấp cho các phường, xã, quận, huyện. Mỗi nơi đều nắm được số lượng thức ăn đường phố trên địa bàn của mình. “Tôi cho rằng nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố đều mua hàng từ chợ đầu mối để có giá cả rẻ hơn. Do đó, các mặt hàng kinh doanh thức ăn đường phố vẫn phải được kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm”, bà Lan nhấn mạnh.

Sở An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Sở đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8; trong đó, cần chú ý ngộ độc do các loại thực phẩm bị biến chất, ô nhiễm vi sinh vật, ngộ độc botulinum…

Các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống (hàng quán chung quanh trường học, cơ sở suất ăn từ thiện...), các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

Sở An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của mình nhắc nhở phụ huynh, học sinh không mua quà vặt, hàng rong trước cổng trường nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn các em học sinh thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng. “Chúng ta không chống nhưng phải vận động khuyến khích, yêu cầu những người hành nghề phải chế biến thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Trong mùa nắng nóng này, nguy cơ mất an toàn thực phẩm càng trở nên nguy hiểm. Chúng tôi không khuyến khích học sinh đi mua những hàng ăn vặt không rõ nguồn gốc. Bên cạnh những thực phẩm nhà làm, còn có thực phẩm bao gói sẵn nhập từ những nơi không rõ nguồn gốc”, bà Lan khuyến cáo.

Theo Phó Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư thành phố Nguyễn Văn Hậu, trường hợp trẻ em ăn thực phẩm từ những người bán hàng rong bày bán trước cổng trường và bị ngộ độc thực phẩm, người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thực tế mà người bán hàng rong có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự cố về ngộ độc thực phẩm mà mình gây ra. Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-20 năm về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.