Kỳ vọng từ Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0

Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng trở thành nền tảng, định hình phát triển các chiến lược công nghiệp 4.0 không chỉ cho thành phố mà còn cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm này dự kiến ra mắt vào tháng 9 năm nay. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau Malaysia và trở thành trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới.

Tận dụng cơ hội từ công nghiệp 4.0

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, thành phố đang tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng và từng bước chuyển đổi nền kinh tế theo hướng “số” và “xanh”.

Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, GRDP tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp cho kinh tế cả nước là hơn 22%. Thành phố có bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chín ngành dịch vụ đang đóng vai trò dẫn dắt toàn nền kinh tế. Doanh nghiệp tại thành phố chiếm gần 1/3 số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước, và với truyền thống năng động, doanh nghiệp thành phố đang tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển mới.

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dần phục hồi vào năm 2022, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ bối cảnh chung của kinh tế thế giới, cũng như những vấn đề về động lực tăng trưởng. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thành phố là một trong mười thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Điều này đang tạo ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Để giải quyết bài toán lớn nêu trên, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang đứng trước cơ hội nắm bắt kịp công nghệ thời đại thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu.

Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng mới... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh-chính trị đến kinh tế, xã hội.

Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có khả năng thích ứng tương đối tốt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong đó, việc hội nhập sâu rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Động lực mới cho phát triển bền vững

Để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện là một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác giữa thành phố, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Qua đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới có thể hỗ trợ thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung đạt được khát vọng về đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối, tận dụng nguồn lực.

Các chuyên gia cho rằng, thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 là tiền đề quan trọng phát triển các sáng kiến toàn cầu, khai thác toàn bộ tiềm năng của tiến bộ công nghệ 4.0, kết nối Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu thế giới để chuyển đổi các ngành, nền kinh tế và xã hội của Việt Nam hướng tới chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo.

Đây là một vấn đề đa lĩnh vực, nhiều bên liên quan, đòi hỏi các sáng kiến và sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các ngành công nghiệp để giải quyết các vấn đề liên ngành. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 là trung tâm đầu não của Việt Nam tham mưu chính sách công nghiệp quốc gia, thí điểm triển khai các chính sách công nghiệp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết: Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam, có vai trò chiến lược trong việc hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nơi đây đã hình thành các hệ sinh thái công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT...

Trung tâm tương tác với Khu Công nghệ cao thành phố sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước trong thời gian tới. Trung tâm được kỳ vọng trở thành nền tảng định hình phát triển các chiến lược công nghiệp 4.0 phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia, cũng như đóng góp vào quỹ đạo phát triển toàn cầu của công nghệ hiện nay.