Thu hút kiều hối đầu tư hạ tầng

Ðể giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng, đại diện các sở, ngành, các chuyên gia kinh tế đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cần hướng dòng kiều hối vào hạ tầng thông qua việc phát hành trái phiếu. Giải pháp này được kỳ vọng thu hút được nguồn lực kiều hối, tạo bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì tại tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”. (Ảnh CTV)
Các đại biểu chủ trì tại tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”. (Ảnh CTV)

Khơi nguồn lực đầu tư hạ tầng

Tại buổi toạ đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng, từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… rất lớn và không ngừng tăng lên. Ðể giải quyết thách thức này, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn.

Tuy nhiên, nguồn lực phát triển là bài toán khó. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98, từ đó mở ra cho thành phố nhiều cơ chế vượt trội nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển như: Cơ chế về quản lý đầu tư, về tài chính ngân sách, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư trong lĩnh vực đối tác công tư…

Bên cạnh các nguồn lực này, thành phố nhận thấy một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa những năm qua luôn đổ về thành phố một cách bền bỉ, đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy, lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022; quý I/2024, kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn FDI, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần ba lần FDI.

Theo ông Cường, điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, nhất là cho Thành phố Hồ Chí Minh. Ðầu năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố giao Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Ðến nay, đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện.

Phát hành trái phiếu kiều hối

Thông tin về đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết: Một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm.

Cụ thể, khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất năm dự án phát triển kinh tế-xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối. Một trong những sản phẩm chính của đề án là trái phiếu kiều hối. Bên cạnh đó, tám nhóm giải pháp để thực hiện chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối như: Tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao tay nghề của người lao động khi ra nước ngoài làm việc…

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính-bất động sản Toàn Cầu ước tính, với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, số thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2023, với kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỷ USD thì tiềm năng kiều hối còn lớn. Do đó, một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển thành phố cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng: “Tôi dự đoán khả năng phát hành trái phiếu cho kiều bào để tài trợ các dự án trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công khoảng 70% cho đợt chào bán đầu tiên với số lượng chào bán 100 triệu USD, với điều kiện thành phố phải bảo đảm và chứng minh tình hình tài chính đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn. Trong đó, phải minh bạch việc tài trợ cho dự án đặc biệt nào. Ngoài ra, thành phố phải minh bạch và công khai các yếu tố liên quan rủi ro của trái phiếu, rủi ro tín dụng của cơ quan phát hành”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ðức Lệnh cho rằng: Một hộ gia đình khi nhận kiều hối, ngoài chi tiêu, nâng cao đời sống, còn dùng nguồn tiền đó để sản xuất, kinh doanh, mua trái phiếu địa phương… sẽ mang lại những hiệu quả to lớn hơn, đột phá hơn. Các giải pháp phát hành trái phiếu địa phương, xây dựng hạ tầng... không phải giải pháp mới mà để thành phố định hướng dòng kiều hối chảy vào xây dựng hạ tầng cần phải thông tin tuyên truyền để người dân có lựa chọn phù hợp; từ đó, có thể nắn dòng kiều hối vào nơi mong muốn. Do đó, việc xây dựng chính sách nắn dòng kiều hối vào hạ tầng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98, cho rằng: Có hai kênh huy động dòng kiều hối là trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Ðơn cử như Metro, có thể chọn một dự án để phát hành trái phiếu dự án để kiều bào có thể mua trái phiếu. Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách thành phố, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ.

Ðây cũng là một kênh cho kiều hối chảy vào. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, với các dự án lớn thì Công ty Ðầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối. Ông cũng đề nghị Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố sớm đề xuất thí điểm một số định chế nêu trên; trong đó, nhấn mạnh HFIC giữ vai trò mở đường, tiên phong. “Cố gắng đến năm 2025, thành phố có được một đến hai dự án, nhằm tạo được nền tảng cho bước đường dài hơn sau này”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.