Không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi

Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi đến tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, yêu cầu không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi (lớp Lá).
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ mầm non, mẫu giáo chỉ cần học nhận diện 29 chữ cái, tập tô, sao chép từ đơn giản.
Trẻ mầm non, mẫu giáo chỉ cần học nhận diện 29 chữ cái, tập tô, sao chép từ đơn giản.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 330.000 trẻ trong độ tuổi mầm non và mẫu giáo. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng tháng 7 hằng năm, các trường tiểu học sẽ bắt đầu tổ chức tuyển sinh và trẻ 6 tuổi chính thức bước vào chương trình học lớp 1, khai giảng vào tháng 9. Yêu cầu không dạy trước chương trình lớp 1 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra từ năm 2013. Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh tại thành phố đã cho con tập đọc, rèn chữ trước cả năm để con không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1.

Trong thời gian con gái mình đang học lớp Lá, chị Nguyễn Thu Nga (Phường 1, quận Bình Thạnh) đã đăng ký cho con các lớp học đọc, học viết, tập làm toán trước chương trình lớp 1 từ tháng 3/2024. “Quyết định đăng ký cho con theo học các lớp tiền tiểu học, có rất nhiều lý do. Đầu tiên, tôi lo con không theo kịp các bạn sẽ có áp lực hoặc tâm lý chán nản, ảnh hưởng đến quá trình học tập sau này.

Thứ hai, cho con học trước chương trình vì tôi sợ sĩ số lớp ở bậc tiểu học đông, cô giáo không sát sao được tới con. Kế đến, tôi cũng bị áp lực khi thấy chung quanh mình các gia đình khác đều cho con học trước chương trình.

Hơn nữa, vợ chồng quá bận, không có thời gian để kèm cặp con cho nên tôi nghĩ, cho con theo học các thầy cô có chuyên môn sư phạm trước sẽ tốt cho con”, chị Nga chia sẻ. Cùng chung tâm lý lo con không theo kịp khi chương trình phổ thông mới được đánh giá là nặng hơn trước kia, chị Trần Thị Thúy Loan (Phường 3, quận Phú Nhuận) thay vì gửi con đến các lớp tiền tiểu học, chị đã thuê một sinh viên năm 3, đang học khoa giáo dục mầm non-tiểu học của một trường đại học về kèm con trai, tuần ba buổi.

“Rút kinh nghiệm từ đứa lớn khi vào lớp 1, các bạn gần như đều biết đọc, biết viết trước, con mình chưa biết cho nên cháu rất sợ. Vì vậy, dù con có khóc lóc, mẹ có mệt mỏi thì tối nào cũng thức đến 10 giờ để tập viết, tập đọc, cộng trừ số rồi mới đi ngủ”.

Theo các chuyên gia giáo dục, tâm sinh lý, việc dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi có nhiều tác dụng ngược. Đầu tiên, việc chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1 phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ theo lứa tuổi; đồng thời, tôn trọng khả năng, thiên hướng của từng em. Thí dụ, hoạt động dạy học cho trẻ lớp Lá, không thể yêu cầu trẻ phải ngồi học “một món” suốt gần một giờ liền mà nên chia ra ít nhất hai, ba hoạt động học.

Mỗi hoạt động kéo dài từ 5-20 phút, sau đó để trẻ nghỉ ngơi, chơi một trò chơi nhỏ khoảng 5 phút rồi mới bắt đầu vào đợt học thứ hai, thứ ba. Việc dạy trẻ trước chương trình học lớp 1 là không phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi và hoạt động chủ đạo của trẻ lớp mẫu giáo. Điều đó ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ. Nếu chỉ dừng lại ở việc học, nhận biết 29 chữ cái, thì chuyện đi học chữ của trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẽ không có nhiều điều đáng bàn. Bởi lẽ, làm quen với chữ cái là một trong những nội dung học ở cấp mẫu giáo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, việc học chữ trước khi vào lớp 1 này lại đi xa hơn: Dạy bé ghép vần, đọc bài, luyện viết, thậm chí với môn Toán, trẻ còn được học cộng trừ và nhớ trong phạm vi 100… Khi học thêm, trẻ sẽ phải viết rất nhiều. Nếu trẻ viết nhiều và lâu, rất dễ gây ra mệt mỏi và biến dạng xương ngón tay; ngoài ra, viết sớm ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.

Trẻ phải đặt sách gần mắt để nhìn rõ, sự phối hợp của mắt và tay là thấp. Trẻ phải nhìn chằm chằm vào đầu bút để viết một từ; vì vậy, mắt sẽ nhanh chóng bị mỏi, theo thời gian, sẽ làm giảm khả năng điều chỉnh độ dài tiêu cự của mắt và dễ gây cận thị, loạn thị.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học, nhà tâm lý giáo dục cho rằng: 6 tuổi là độ tuổi phù hợp để bước vào lớp 1. Do đó, khi chưa tròn 6 tuổi, các yếu tố về thể lực, kỹ năng, tâm lý của trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu về vận động, sinh hoạt, giao tiếp, học tập của học sinh lớp 1.

Vì thế, yêu cầu các trường bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mẫu giáo để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ. Trẻ cần được học tập an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc, có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Đó là những tiền đề cần thiết để trẻ học tập tốt ở lớp 1, không phải là dạy trước chương trình lớp 1.

Theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc học mẫu giáo, trẻ đã được làm quen với bảng chữ cái và phép toán trong phạm vi 10, nhận biết phân biệt các khối, hình phẳng... Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như nhận diện 29 chữ cái, tập tô, sao chép từ đơn giản, cô giáo rèn cho trẻ tư thế ngồi, cách cầm bút... Đối với môn Toán, trẻ sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi “thêm, bớt”. Đây là nền tảng cho bé học theo kịp chương trình ở lớp 1.

Để bảo đảm về mặt sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ khi vào học lớp 1, cha mẹ nên có những chuẩn bị trước cho bé về tâm lý khi thay đổi môi trường học tập, từ học mẫu giáo được vui chơi thoải mái về thời gian, không gian vận động sang học tập ở môi trường tiểu học (môi trường có kỷ luật, thời gian, không gian gò bó hơn trước).

Để trẻ chuyển giai đoạn không làm ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập, phụ huynh nên cho trẻ tham gia vào các lớp kể chuyện sáng tạo, nhạc, vẽ, các lớp phát triển khả năng trí tuệ, kỹ năng xã hội... Theo cô Nguyễn Thị Kim Loan, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền

(Quận 3), việc được học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau một vài tuần, trẻ sẽ lơ là, không tập trung khi thầy, cô giảng bài.

Trong khi đó, những trẻ không được học trước chương trình sẽ háo hức và tập trung hơn. “Về lâu dài, những trẻ học trước chương trình sẽ dễ bị thụt lùi. Chưa kể đến những trẻ học trước chương trình nhưng không đúng phương pháp sư phạm, giáo viên sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức để uốn nắn lại cho học sinh”, cô Loan chia sẻ thêm.