Tự hào là Bộ đội Cụ Hồ

Gặp Đại tá Nguyễn Văn Viện, nguyên Trưởng phòng Tổ chức Quân đoàn 4 tại nhà riêng (đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi được nghe ông kể về tuổi thanh niên năm 1972 trở thành Bộ đội Cụ Hồ của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) trong những ngày thần tốc tiến vào giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các cựu chiến binh Trung đoàn 273 dự Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 273 dự Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Ông Viện kể: Ngày 23/11/1972 có thể xem là dấu mốc lịch sử của một sư đoàn trẻ nhất vào thời điểm đó của Quân đội nhân dân Việt Nam khi Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh cơ động 341 (gồm các Trung đoàn 270, 273, 266, Trung đoàn 55 pháo binh…), giao Quân khu 4 tổ chức xây dựng, quan tâm giúp đỡ về tổ chức, huấn luyện cung cấp trang thiết bị đầy đủ, chu đáo và điều về sư đoàn những cán bộ ưu tú nhất.

Sư đoàn khẩn trương bước vào tổ chức xây dựng và huấn luyện theo phương hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xây dựng thành một sư đoàn chủ lực, thiện chiến, tác chiến hợp đồng binh chủng, có sức cơ động cao. Tháng 12/1974, sau hai năm xây dựng huấn luyện, sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.

Ngày 25/1/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ Sư đoàn 341 vào Nam Bộ trong đội hình Quân đoàn 4. Sư đoàn được đoàn xe của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn xuyên rừng, xuyên núi vượt hơn 2.000 cây số hành quân vào chiến trường B2 để giải phóng miền nam. Toàn sư đoàn xác định đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng.

Sau chặng đường dài hành quân, vào chiến trường, Sư đoàn 341 được giao chốt giữ bàn đạp Định Quán-Đường 20 cho Sư đoàn 7 đánh thẳng lên Lâm Đồng-Đà Lạt. Sư đoàn làm nhiệm vụ theo hai hướng: Trung đoàn 273 tăng cường cho Sư đoàn 9, chiến đấu trên Đường 13 Chơn Thành… Các Trung đoàn 270, 266, Trung đoàn 55 pháo binh cùng các đơn vị bạn… chuẩn bị tiến công vào Xuân Lộc, phòng tuyến cửa ngõ Sài Gòn.

Lúc này, bộ đội ta đã giành liên tiếp các thắng lợi trên các mặt trận Tây Nguyên-Huế-Đà Nẵng; các Quân đoàn chủ lực 1, 2, 3 tiến thẳng vào phía nam, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa khô năm 1975.

Khí thế tiến công sôi sục đã cổ vũ, động viên sư đoàn bước vào chiến đấu với sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, chính quyền địa phương. Học tập kinh nghiệm chiến trường của các đơn vị bạn, Sư đoàn 341 quyết tâm ra quân phải đánh thắng trận đầu. Là Chính trị viên phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, ông Nguyễn Văn Viện nói: Ngày 13/3/1975, trên hướng

Đường 13, Trung đoàn 273 đánh trận đầu tiên tiến công giải phóng Dầu Tiếng. Ngày 31/3, Trung đoàn tiến công tiêu diệt địch ở Chơn Thành, cùng đơn vị bạn phá tan tuyến phòng ngự phía bắc, bảo vệ tuyến hành lang Đông Tây…

Ngoài ra, các Trung đoàn 270, 266, Trung đoàn 55 pháo binh của Sư đoàn 341 cùng các đơn vị bạn… nổ súng tiến công vào sáng 9/4, đến ngày 21/4 giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc.

Ngày 26/4/1975, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, các trung đoàn của Sư đoàn 341 giải phóng Trảng Bom, Biên Hòa tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975 trong niềm hân hoan đất nước được hoàn toàn giải phóng, hai miền nam bắc về chung một nhà.

Sau ngày 30/4/1975, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định, Trung đoàn 273 được phân về Quận 11, với nhiệm vụ tuần tra canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh với bọn phản cách mạng, tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng tại địa phương...

Thời kỳ thành lập chính quyền mới ở Quận 11, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 273 với phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, như con em trong nhà gần gũi, giúp đỡ người dân; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên bà con an tâm xây dựng cuộc sống mới.

Quận 11 vốn là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, đông người dân lao động, có nhiều tuyến đường lớn nhưng cũng nhiều hẻm nhỏ đường ngang, lối dọc. Bộ đội quân quản phối hợp dân quân bảo vệ khu phố, an ninh đường sá, phòng chống tệ nạn…

Chính những việc làm chí tình, chí nghĩa đã đem lại nhiều tình cảm tốt đẹp nơi người dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân ổn định, người dân an tâm xây dựng đời sống trong chế độ mới.

Tháng 9/1977, Sư đoàn làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, Trung đoàn 273 được giao nhiệm vụ quản lý kho Long Bình (Đồng Nai) thì bọn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary gây ra chiến tranh biên giới. Sư đoàn 341 nhận nhiệm vụ cùng các sư đoàn của Quân đoàn 4, Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam đánh bật quân Khmer Đỏ ra khỏi biên giới, trả lại sự bình yên cho người dân, đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Cũng như chiến dịch giải phóng miền nam, ở chiến dịch biên giới Tây Nam, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc xương máu, sẵn sàng hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhớ về những người nằm xuống cho bình yên của Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Viện cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 273 và Sư đoàn 341 tổ chức những chuyến viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Thư cảm ơn của Chính phủ Campuchia viết: “… Tên tuổi của Sư đoàn 341 đã ăn sâu vào trái tim và lòng người Chùa Tháp; năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia, nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ mãi…”.

Lịch sử hơn 50 năm của Sư đoàn 341, một trong những đơn vị chủ lực trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trong bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc… gắn liền với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc. Sư đoàn 341 đã được Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý; trong đó, hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cả bốn trung đoàn thuộc Sư đoàn 341 đều được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tô thắm trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam…

Đại tá Nguyễn Văn Viện hiện là cựu chiến binh sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh Trung đoàn 273, Sư đoàn 341. Ông cùng các cựu chiến binh tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Sư đoàn Sông Lam anh hùng, tích cực trong các hoạt động thiện nguyện tại địa phương cũng như tại đơn vị như xây dựng, trao tặng nhà tình nghĩa, tặng những phần quà thiết thực, giúp đỡ những gia đình cựu chiến binh gặp khó khăn… ở nhiều tỉnh, thành phố.