Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ðể chủ động hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu thực tiễn, công tác này vẫn còn một số bất cập, cần nhanh chóng tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Thủ Ðức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Giờ thực hành của sinh viên Trường cao đẳng Kỹ nghệ II, thành phố Thủ Ðức (Thành phố Hồ Chí Minh).

Những năm qua, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại theo hướng đào tạo công nghiệp 4.0; đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong hoạt động giảng dạy, học tập.

Cụ thể, trường đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ có đủ khả năng tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên tiến, giải quyết các vấn đề cấp thiết trong thực tiễn sản xuất; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhà trường cũng tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học, đào tạo nghề cho sinh viên.

Theo Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đang có các phòng thực tế ảo như phòng thực tế ảo sửa chữa ô-tô, phòng thực tế ảo sửa chữa và bảo trì thang máy-thang cuốn, phòng thực tế ảo phần cứng máy tính. Thời gian tới, trường tiếp tục đầu tư xây dựng các phòng thực hành ảo và nâng cấp các phòng thực hành ảo đang có với các trang thiết bị hiện đại, có tính công nghệ mới, công nghệ 4.0 để đáp ứng tốt công tác đào tạo.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động chuyên môn tay nghề giỏi cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năm 2020, thành phố xây dựng Ðề án quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.

Ðề án nhằm bảo đảm về số lượng, chất lượng, ngành nghề đào tạo, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế với chất lượng ngày càng cao; tập trung đào tạo có sự phân tầng, đào tạo những nghề mũi nhọn..., đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, gắn với định hướng sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp...

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có hơn 60 trường cao đẳng, khoảng 60 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 170 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tổng quy mô đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp hơn 311.000 người học; cơ cấu ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, bao gồm bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu và tám ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Sự phát triển đa dạng các ngành nghề đào tạo nêu trên đã đáp ứng nhu cầu học tập của người học, việc làm của người lao động, khuyến khích đào tạo ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, công nghệ ô-tô, tự động hóa... Một số ngành nghề gắn với tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng như cơ khí hàn, xây dựng dân dụng, điện-điện lạnh, may công nghiệp, chăm sóc sức khỏe… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều ban hành kế hoạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; đẩy mạnh đào tạo các ngành theo định hướng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của thành phố. Vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cần đổi mới cơ chế đào tạo, đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan cần ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách hiệu quả và chất lượng.

Cụ thể là các chính sách về ưu đãi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, ưu đãi về tham gia các chương trình phát triển về giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà trường-doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học, đồng thời nghiên cứu hình thức đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0.