Hỗ trợ học sinh, sinh viên mùa dịch

Thấu hiểu những khó khăn mà rất nhiều học sinh (HS), sinh viên (SV) phải đối mặt khi năm học mới bắt đầu trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền, đoàn thể cùng nhiều cơ sở giáo dục tại TP Hồ Chí Minh đã kịp thời có chính sách hỗ trợ, sẻ chia. 

Cán bộ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Cán bộ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Vừa thi cuối kỳ xong, chuẩn bị cùng bạn bè trong Khoa Kỹ thuật công trình, Trường cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh đến vùng cao thuộc tỉnh Ninh Thuận bắt đầu kỳ thực tập bằng việc xây nhà tình thương, Nguyễn Thái Hào phải hủy toàn bộ kế hoạch do TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Càng đáng lo hơn khi Hào ở trọ một mình tại quận Bình Tân, khu vực “đỏ” vào thời điểm dịch bùng phát. “Cả khu trọ em xuất hiện nhiều F0, bị cách ly. Khi trường gửi link đăng ký để rà soát số SV còn mắc kẹt lại TP Hồ Chí Minh, em có tham gia nhưng không nghĩ được nhận quà sớm đến vậy. Em bị cách ly tại khu trọ nhưng trường vẫn gửi quà đến tận nơi, xúc động lắm. Đến nay em đã nhận được 20 lần hỗ trợ rồi, nhiều khi muốn rơi nước mắt vì biết thầy cô lo lắng, quan tâm cho học trò như vậy”, Hào nhớ lại.

Phần quà đầu tiên Hào nhận được từ trường gồm có gạo, mì ăn liền, trứng, sữa. Sau đó, cứ hai lần/tuần, các thầy cô lại gói ghém rau củ tươi, cá khô, mắm muối, thịt gà gửi đến Hào cùng nhiều SV khác. Từ cuối tháng 6 đến nay, Trường cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh đã trao hơn 4.000 phần quà nhu yếu phẩm tặng SV đang ở trọ tại thành phố: Bên cạnh việc bảo đảm không SV nào phải đói trong suốt mùa dịch, giảng viên Khoa Y dược của trường còn tổ chức hoạt động tư vấn và phát thuốc điều trị cho 110 F0 là SV và người thân. Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Lý cho biết: Năm học này nhà trường giảm từ 40% đến 50% học phí tùy hệ đào tạo và giảm 100% học phí chương trình tiếng Anh quốc tế với hình thức trực tuyến. Đặc biệt, trường đào tạo miễn phí 100% cho tất cả HS, SV không may mồ côi do dịch Covid-19 như một cách động viên, chia sẻ. Ông Nguyễn Đăng Lý kể: “Khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch dữ dội, nhận tin nhắn học trò than “Thầy ơi, con đói!”, nghe xót lắm. Vậy là chúng tôi bắt tay vào làm ngay. Các thầy cô tìm đủ nguồn, đủ cách để SV của mình không cảm thấy cô đơn, tủi thân hay khó khăn trong suốt giai đoạn giãn cách. Chúng tôi cũng thấu hiểu nỗi đau, mất mát của những gia đình có người thân nhiễm Covid-19 và lo sợ vì khó khăn nhiều em sẽ phải bỏ học”.

Nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra chính sách giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho đối tượng SV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trường đại học Văn Hiến cho biết sẽ hỗ trợ 50% học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 cho tất cả SV nhập học và cam kết học phí không tăng trong toàn khóa học. Những SV có ba, mẹ, anh, chị em ruột làm trong ngành y đang tham gia tuyến đầu chống dịch sẽ được nhà trường giảm 50% học phí toàn khóa học. Với chương trình “Tiếp sức cho F0”, cơ sở giáo dục đại học này miễn 100% học phí hai học kỳ cho SV nhập học là F0 hoặc có người thân (ba, mẹ, anh, chị, em ruột), người nuôi dưỡng là F0. Thí sinh nhập học ngành nào sẽ được giảng viên ngành đó bảo trợ học phí. Đối với thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ hoặc người nuôi dưỡng bị thất nghiệp; thí sinh, SV trong khu phong tỏa, cách ly ở tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, chưa có đủ điều kiện đóng học phí sẽ được nhà trường hỗ trợ cho vay học phí lãi suất 0%.

Dự kiến, năm học này, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao 300 suất học bổng (5 triệu đồng/suất) tặng SV các trường, đơn vị thành viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, các trường xét chọn học bổng dựa trên các tiêu chí theo như: cha, mẹ, anh chị em, người nuôi dưỡng hoặc bản thân SV... bị mất việc/tạm ngưng việc hoặc mất do dịch; SV có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh nhưng do công tác tăng cường chống dịch Covid-19 nên chưa thể về quê, đang tạm trú ở TP Hồ Chí Minh hoặc tỉnh Bình Dương gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt... Đồng thời, đại học này còn triển khai chương trình cho SV vay ưu đãi lãi suất 0% để trang trải học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ.

Thống kê sơ bộ của ngành giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có hơn 5% HS không đủ trang thiết bị để học trực tuyến. Riêng tại quận Tân Phú có hơn 1.500 HS khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến trong năm học này. Trong đó phần lớn là HS bậc tiểu học. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cùng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Nguyễn Văn Hiếu đã đến thăm và trao 100 bộ thiết bị học trực tuyến tặng học sinh khó khăn tại quận Tân Phú thông qua chương trình “Kết nối yêu thương - Tiếp sức đến trường”. Mỗi phần quà gồm một máy tính bảng, gói cước nhà mạng, phần mềm hệ thống học trực tuyến và dịch vụ hỗ trợ bảo hành kỹ thuật, giúp học sinh học trực tuyến tại nhà hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh đang rất nỗ lực trong việc vận động hỗ trợ HS khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cách đây không lâu, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất phương án huy động 85.000 thiết bị hỗ trợ HS học trực tuyến theo nhiều hình thực khác nhau. Các trường học cũng chủ động triển khai hoạt động hỗ trợ HS khó khăn mua sắm trang thiết bị học trực tuyến ngay trong mùa giãn cách. Trước đó, Thành đoàn và Hội đồng đội thành phố đã đến tận nhà trao tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho hơn 1.000 HS khó khăn. Ngoài ra, chương trình học bổng Bảo trợ học tập đến hết cấp học THPT (lớp 12) cho HS có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã kịp thời “tiếp sức” cho gần 400 bạn trẻ trước những mất mát do dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, từ đầu tháng 10 này, Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh, Hội Đồng đội thành phố và Trung tâm Hỗ trợ HS, SV thành phố sẽ chính thức triển khai đội hình “Gia sư áo xanh” nhằm hỗ trợ học tập và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ các em HS từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, mồ côi cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng qua đời do dịch bệnh. Trong học kỳ I của năm học này, việc tổ chức giảng dạy, ôn tập kiến thức, tư vấn tâm lý và các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ được đội hình “Gia sư áo xanh” thực hiện với hình thức trực tuyến. Sang học kỳ II, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sẽ được tổ chức xen kẽ giữa hình thức trực tiếp với trực tuyến.