Tìm hướng phát triển đột phá vùng đồng bằng sông Hồng

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, kinh tế-xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng còn hạn chế; bên cạnh đó có nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới, cần những giải pháp mới, phù hợp thực tiễn phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất máy photocopy tại doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)
Sản xuất máy photocopy tại doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong sáu vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, kinh tế-xã hội toàn vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng còn hạn chế; bên cạnh đó có nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới, cần những giải pháp mới, phù hợp thực tiễn phát triển.

Bài 1: Khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 54, mặc dù chịu không ít tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của hầu hết các tỉnh, thành phố trong vùng luôn giữ vững và duy trì đà tăng trưởng cao; khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 cả vùng ước đạt 251 nghìn tỷ đồng; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 319,18 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 4,9%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 đạt 551,77 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,75%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, thành phố Hà Nội đạt giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất, tiếp đến là Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh…

Phát triển các dự án có hàm lượng chất xám cao

Ngành công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì vai trò trụ cột tăng trưởng của vùng; tỷ trọng GDP ngành công nghiệp-xây dựng của vùng đồng bằng sông Hồng so với cả nước đã tăng từ 28,6% năm 2016 lên 30,7% GDP năm 2020, tập trung chủ yếu từ các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Điện, điện tử, lắp ráp ô-tô, đóng tàu, dệt may, công nghiệp phụ trợ.

Các địa phương đều ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Công nghiệp phát triển đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt khá cao, quy mô kinh tế đứng thứ hai trong sáu vùng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Mới đây, Công ty Onaga, nhà sản xuất linh kiện công nghệ cao cho các ngành hàng không, vũ trụ, ô-tô, chế biến chế tạo công nghệ mới… của Nhật Bản đã chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip).

Công ty đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nhà máy tại đây. Dự kiến, vào năm 2023, nhà máy của Onaga sẽ đưa vào sản xuất đợt 1 các linh kiện, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, ô-tô... Một số doanh nghiệp tới từ Nhật Bản còn ký thỏa thuận hợp tác tư vấn hỗ trợ, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp Việt Nam, hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước.

Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 cả vùng ước đạt 251 nghìn tỷ đồng; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt 319,18 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 4,9%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 đạt 551,77 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,75%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm.

Thành phố Hải Phòng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Những năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đã đầu tư phát triển tại thành phố cảng như: tổ hợp các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD; Nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đối tác đầu tư; hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải-Cát Bà do Tập đoàn Sun Group đầu tư...

Đặc biệt, hoạt động đầu tư sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, sản xuất máy móc, thiết bị, sản xuất sơn tàu biển, ống nhựa, dược phẩm, thiết bị y tế... đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 39,5% năm 2019 đã tăng lên 40,12% trong năm 2021. Riêng ngành chế biến, chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% trong năm 2020.

Công nghiệp phát triển đã mang lại diện mạo mới cho hầu hết các địa phương. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, Bắc Ninh được ví như “Thị xã đèn dầu”, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp.

Đến nay, Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.500 nghìn tỷ đồng, gấp 91,1 lần so với năm 2005. Với quy mô này, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đã vươn lên vị trí thứ nhất cả nước.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 17,46%/năm. Riêng ngành điện tử đã chiếm tới gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2021, khu vực công nghiệp thu hút 438,4 nghìn lao động, gấp 3,5 lần so với năm 2005 và chiếm 58,8% cơ cấu lao động toàn tỉnh (năm 2005 chiếm 22,3%).

Sản xuất công nghiệp phát triển đã tạo bước đột phá cho hoạt động ngoại thương. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt 95,7 triệu USD; đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 44,85 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và đứng thứ hai cả nước.

Tỉnh Hưng Yên đã tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ với hơn 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hưng Yên Trần Văn Cường cho biết: Các doanh nghiệp đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất, lắp ráp ô-tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may.

Không chỉ tập trung phát triển công nghiệp tại Tiểu vùng bắc đồng bằng sông Hồng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), trong những năm gần đây, các tỉnh thuộc Tiểu vùng phía nam đồng bằng sông Hồng cũng đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp lớn.

Hiện nay, Thái Bình có khoảng 34 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó, số cơ sở ngoài nhà nước chiếm đến 99,8% và có tới 96,4% số cơ sở công nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt 69.075 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2015 và chiếm 26,6% GRDP của tỉnh.

Tỉnh Nam Định đã thu hút được tổ hợp các nhà máy sản xuất thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện ở huyện Nghĩa Hưng với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 98.000 tỷ đồng. Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các cụm công nghiệp Thanh Côi, Yên Bằng; mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Cụm công nghiệp Thịnh Lâm; triển khai các thủ tục đầu tư các cụm công nghiệp Giao Thiện, Giao Yến...

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện

Theo nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vốn đầu tư phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 30% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của cả nước. Đây cũng là một trong hai vùng thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam.

Có được kết quả này là do các tỉnh, thành phố trong vùng đã có sự cải thiện vượt bậc về môi trường kinh doanh trong giai đoạn 2011-2021.

Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI xây dựng và công bố, vùng đồng bằng sông Hồng đã liên tục duy trì vị trí cao nhất so với các vùng khác về điểm số PCI trung bình liên tục từ năm 2019 trở lại đây.

Điểm số PCI trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng đã tăng từ 58,89 điểm năm 2011 lên 66,72 điểm của năm 2021. Riêng trong năm 2021, kết quả PCI trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục đạt mức cao nhất, cách biệt đáng kể với vị trí thứ hai, thứ ba của vùng Đông Nam Bộ và vùng duyên hải miền trung.

Liên tục 5 năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Bảng xếp hạng chỉ số PCI, đồng thời là điểm sáng của vùng khi gặt hái được nhiều thành tích ấn tượng trong hình thức đầu tư đối tác công-tư (PPP).

Trong giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã huy động, thực hiện đầu tư 29 dự án theo hình thức PPP, với tổng nguồn vốn hơn 46.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng 5.163 tỷ đồng, chiếm 11% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng).

Như vậy, cứ một đồng ngân sách nhà nước bỏ ra, có thể huy động được từ 8-9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Quảng Ninh lấy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khâu đột phá, tạo động lực mạnh mẽ thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư đem lại hiệu quả cao như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài...

Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI xây dựng và công bố, vùng đồng bằng sông Hồng đã liên tục duy trì vị trí cao nhất so với các vùng khác về điểm số PCI trung bình liên tục từ năm 2019 trở lại đây.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ, để thu hút đầu tư, Hải Phòng đã tạo môi trường đầu tư minh bạch, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; duy trì đối thoại định kỳ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2021, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn hơn 5,1 tỷ USD.

Trong suốt hai thập kỷ qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI như: Nghị quyết về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ; đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách về hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ, hợp tác, phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp FDI…

Tỉnh ưu tiên cho công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thành lập nhiều tổ, nhóm, bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà đầu tư. Nhờ đó, chín tháng đầu năm 2022, tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng cho 346 dự án, công trình với tổng diện tích 2.893ha; thu hút được 21 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 9.797 tỷ đồng, 51 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 292,8 triệu USD.

Đến cuối tháng 9/2022, tỉnh có 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 19 nghìn tỷ đồng, tăng 20,36% về số doanh nghiệp và tăng 124,76% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh Hà Nam gần đây được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài do tỉnh thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế... Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, tỉnh xem xét và thực hiện những cơ chế ưu tiên để thu hút.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ninh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, trong đó đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 56 dự án. Tổng vốn đăng ký gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm 5.384 tỷ đồng, tăng 1,57 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh có 897 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 4.562 tỷ đồng, tăng 21,7%. Năm 2021, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh Thái Bình vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 730 triệu USD, gấp 10 lần so với năm 2020, trong đó vốn FDI là 540 triệu USD, cao hơn tổng vốn FDI của tỉnh cả giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý, khu công nghiệp đầu tiên trong khu kinh tế (Khu công nghiệp Liên Hà Thái, diện tích 588,84ha), sau hơn một năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang hoàn thiện hạ tầng và đã thu hút được 5 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 461 triệu USD.

(Còn nữa)