Xin đồng chí cho biết, Hải Phòng đã phát huy những tiềm năng, lợi thế như thế nào để trở thành trọng điểm kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía bắc?
Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 102 km, giáp ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Bình và phía Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, diện tích tự nhiên 1.522,5 km2, dân số 2,05 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 45,41%.
Thành phố có thế mạnh lớn về vị trí địa lý và hạ tầng đồng bộ với đầy đủ năm loại hình giao thông, có cảng biển nước sâu Lạch Huyện - cảng cửa ngõ quốc tế duy nhất miền bắc, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam-Trung Quốc; đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ vô cùng thuận lợi, kết nối tốt tới các trung tâm kinh tế lớn của vùng và khu vực.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thành phố Hải Phòng đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là theo hình thức đối tác công tư PPP, góp phần tăng cường thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng và các địa phương lân cận tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội.
Thành phố đã hoàn thành nhiều dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố và giảm ùn tắc giao thông như các cầu: Bính, Võ Nguyên Giáp, Đăng, Hàn, Hoàng Văn Thụ...; tuyến đường trục qua khu công nghiệp Đình Vũ; các nút giao thông khác mức; cải tạo mặt đường bê-tông nhựa hơn 120 tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh tạo sự đi lại thuận tiện cho người dân, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông. Đến hết năm 2021, thành phố có 7.627km đường bộ, tăng 4,1 lần so với năm 2005; 123 nút đèn tín hiệu giao thông, tăng 24,6 lần so với năm 2005; 145 cầu, tăng 1,8 lần so với năm 2005 (81 cầu).
Những năm gần đây, Hải Phòng đã phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cảng biển, đường bộ, đường sông, hàng không. Theo đồng chí, đâu là những bài học kinh nghiệm để tháo gỡ những rào cản vướng mắc về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông?
Như đã nói ở trên, giai đoạn vừa qua, Hải Phòng đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm của khu vực Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thành phố, kết nối các địa phương trong vùng, khu vực và quốc tế. Đổi mới công tác đầu tư, khơi thông mọi nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã tạo đột phá quan trọng với tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 đạt 564.295 tỷ đồng, gấp ba lần giai đoạn 2011-2015. Từ nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển, thành phố đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong nhiều nhiệm vụ triển khai, thực hiện quyết liệt, công tác giải phóng mặt bằng được coi là cách làm riêng, có hiệu quả cao. Hải Phòng đã thu hồi 10.488ha đất của 613 tổ chức và 53.916 hộ gia đình, cá nhân, trong đó có 10.988 hộ phải bố trí tái định cư để triển khai các công trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây là giai đoạn thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư cho người dân lớn nhất từ trước tới nay. Trong quá trình triển khai thực hiện hạn chế tối đa việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Các dự án phần lớn đã hoàn thành hoặc bám sát tiến độ, phát huy hiệu quả cao, được nhân dân ghi nhận và đồng tình ủng hộ.
Hải Phòng đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi-măng để nhân dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng; hỗ trợ gạch, xi- măng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Nhờ có chính sách sáng tạo này, thành phố huy động được một nguồn lực lớn từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, đã hoàn thành hơn 5.000km đường nông thôn, xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đạt 40.396 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2010-2015, trong đó nhân dân đóng góp 5.865 tỷ đồng.
Với vai trò là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương: Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn các giải pháp phối hợp, liên kết cùng phát triển. Trong đó, một nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất là tập trung xây dựng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường để tạo kết nối, tăng cường giao thương phát triển của cả khu vực.
Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; đường và cầu ô-tô Tân Vũ-Lạch Huyện; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn); sửa chữa, cải tạo quốc lộ 5 qua địa phận thành phố (từ Km94 - Km113)... Các công trình kết nối với các địa phương lân cận như cầu Quang Thanh, cầu Dinh, cầu Sông Hóa được hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng.
Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đang được triển khai. Đồng thời, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp triển khai thực hiện cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối giữa hai địa phương.
Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Xin đồng chí cho biết vai trò của cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và những đột phá trong huy động nguồn lực đối với thành công của công tác này?
Những năm gần đây, Hải Phòng đã tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước với phương châm “làm tổ đón đại bàng” để có thể mời gọi được các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, thế mạnh và có thực lực, các loại hình doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào thành phố.
Thành phố đã tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây khó cho nhà đầu tư. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự vào cuộc của toàn xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự cải thiện rõ rệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của thành phố đã vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng hạng 3 bậc so với năm 2019. Năm 2021, chỉ số PCI của Hải Phòng đạt 70,61 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố; vị trí thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính.
Sự bứt phá ngoạn mục trong chỉ số PCI là thành quả đến từ rất nhiều nỗ lực của Hải Phòng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tập trung nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm. Thành phố đã duy trì tổ chức đối thoại định kỳ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin và đồng hành của các cơ quan nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc chú trọng xúc tiến, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp cũng là một trong những định hướng của thành phố để nhà đầu tư có thể được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế. Thành phố tập trung xây dựng các khu công nghiệp mới, kết nối và tạo thuận lợi trong bàn giao mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà máy, nhà xưởng.
Cùng với hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, khu công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ, những năm qua Hải Phòng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đã đến đầu tư, điển hình như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD; Nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD; hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đối tác đầu tư; hệ thống cáp treo vượt biển Cát Hải-Cát Bà do Tập đoàn Sun Group đầu tư...
Năm 2021, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn hơn 5,1 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến 20/9/2022, thành phố thu hút được 1.252,97 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm 56 dự án cấp mới với số vốn 787,76 triệu USD, 29 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn 456,4 triệu USD.
Xin cảm ơn đồng chí!