Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án và đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hải Phòng.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, xuất phát từ thực trạng phát triển vùng, địa phương và từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các đại biểu.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng. Việc thực hiện tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế ban hành cách đây gần 20 năm sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị đánh giá và ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Đồng chí cũng đánh giá cao ý kiến các đại biểu đã thống nhất cao với các nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 vừa phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng, vừa cập nhật được các chủ trương, nhiệm vụ được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương.
Đồng chí cũng lưu ý, dự thảo báo cáo cần làm sâu sắc hơn về những thành tựu đạt được của vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy và sự tích cực chủ động, sáng tạo vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương; những tiềm năng, lợi thế đặc thù, cũng như những khó khăn, thách thức của từng địa phương và các tiểu vùng để đề xuất ban hành các chính sách trúng, đúng và kịp thời cho từng tỉnh, tiểu vùng; vai trò động lực quan trọng của vùng với cả nước; các xu thế phát triển kinh tế mới tác động đến vùng như: khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục-đào tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...
Đồng chí cũng cho rằng, các địa phương cần thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn phát triển mạnh; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và hệ thống đô thị thông minh, kết nối; phát huy vai trò của các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp...
Đồng chí ghi nhận, các ý kiến đã cung cấp thêm các thông tin và là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đánh giá bối cảnh tình hình mới và từ đó đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới nhằm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, các cấp, các ngành nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn 2005-2020, kinh tế vùng tăng trưởng đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc; đô thị hóa đạt tỷ lệ trên 41%; 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong vùng được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại; nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục-đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 0,86%; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Những thành tựu đạt được đã khẳng định Nghị quyết 54-NQ/TW là chủ trương đúng đắn của Đảng và đã thực sự đi vào cuộc sống.