Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ mới

Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ lần thứ 7 năm 2024 (Sourcing Fair Supporting Industries 2024-SFS 2024).
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm với đại diện một doanh nghiệp FDI-nhà mua hàng (ngoài cùng bên phải).
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm với đại diện một doanh nghiệp FDI-nhà mua hàng (ngoài cùng bên phải).

Mục đích của SFS 2024 là tạo các cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sẵn sàng trong các năm qua về năng lực cung ứng, nỗ lực đầu tư cải tiến nhà máy, tiếp cận các nhu cầu hợp tác sản xuất, chế tạo và nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam. Chủ đề của SFS 2024 là "Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi".

Tại hội nghị năm nay, với tư cách là nhà mua hàng, các doanh nghiệp FDI đã đưa ra hơn 300 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhằm tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Trong đó, phần lớn là những đơn hàng đề nghị đến từ các ngành công nghệ mới nổi như: Công nghiệp vi mạch-bán dẫn, hàng không-vũ trụ, y tế, sinh học...

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp mua hàng, những nhóm sản phẩm ở các ngành công nghệ mới nổi có yêu cầu, đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, độ chính xác, chất lượng… nên rất ít doanh nghiệp của Việt Nam đáp ứng được. Tuy vậy, việc kết nối, giao thương thường xuyên với các doanh nghiệp FDI liên quan sẽ giúp các doanh nghiệp của nước ta từng bước tìm hiểu, làm quen và vạch ra được phương án sản xuất sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

Theo các chuyên gia, hiện đang diễn ra xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu, và Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn. Việt Nam có nhiều lợi thế nhờ chi phí lao động cạnh tranh, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện dần, chính sách ưu đãi đầu tư khá hấp dẫn, tình hình chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi…

Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam luôn tìm cách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình, đa dạng hóa và ưu tiên nguồn cung ứng tại chỗ; nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng thiếu ổn định và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do tình hình và xu hướng sản xuất công nghiệp toàn cầu thường xuyên biến động.

Nhờ xu thế đó, cơ hội đã rộng mở đối với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Ðại diện Công ty Cơ khí Duy Khanh (Khu Công nghệ cao thành phố) cho biết: Thị trường đang khả quan dần lên. Những tháng cuối năm nay, chúng tôi phải tập trung cao độ cho khâu sản xuất để có thể giao hàng kịp tiến độ theo yêu cầu của các khách hàng. Tính cả năm 2024, số lượng khách hàng mới tăng thêm được gần 15 đối tác, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng doanh số của công ty cả năm nay có thể đạt gần 30% so với năm 2023.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Tương Lai (Quận 6) cũng cho biết: Các đơn hàng cung cấp những sản phẩm mới (cao su và nhựa công nghiệp trong các loại ô-tô và xe máy) đều tăng khá, số lượng khách hàng mới trong tám tháng đầu năm nay tăng gần 9%; doanh thu của công ty tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, để có thể gia nhập được vào chuỗi cung ứng của tập đoàn sản xuất quốc tế, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn kiểm tra chức năng sản phẩm, chất lượng sản phẩm…

Các doanh nghiệp cần hiểu rõ tiêu chuẩn của sản phẩm, ngành mà mình muốn đầu tư sản xuất, cung ứng; xem xét trang thiết bị, công nghệ sản xuất có phù hợp và phải chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng với đối tác... Ðiểm yếu cơ bản của các doanh nghiệp Việt Nam là chưa hoặc có rất ít kinh nghiệm sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao, chưa sản xuất được sản phẩm lõi, nên khó tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện năng lực sản xuất, cung ứng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Thành phố luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. Những năm gần đây, thành phố đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn liên kết để trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia; để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.