Thúc đẩy du lịch mùa “thấp điểm”

Từ đầu năm 2024 đến nay, du lịch Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, lượng khách thường có xu hướng chững lại. Một phần là do thời tiết nắng nóng, khiến nhiều người chọn đi du lịch biển. Đây được coi là mùa “thấp điểm” của du lịch Thủ đô, nhất là lượng khách lưu trú có xu hướng tăng yếu. Sở Du lịch đang cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các biện pháp thúc đẩy du lịch trong mùa nắng nóng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch chèo thuyền khám phá thiên nhiên tại Khu du lịch Khoang Xanh-Suối Tiên.
Khách du lịch chèo thuyền khám phá thiên nhiên tại Khu du lịch Khoang Xanh-Suối Tiên.

Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, với sản phẩm du lịch đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề… Thành phố cũng sở hữu lượng lớn cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng. Số khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Cụ thể, có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với tổng số 26.641 phòng. Điều này cho thấy, Hà Nội có tiềm năng lớn để khai thác lượng khách lưu trú, tăng nguồn thu từ du lịch. Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 7, thành phố đón 3,43 triệu lượt khách quốc tế, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó có 2,42 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú); khách du lịch nội địa đạt 13,01 triệu lượt, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhìn chung, trong mùa nắng nóng, lượng khách đến Hà Nội thường tăng trưởng chững lại, nhất là khách có lưu trú.

Để tăng sức hút với du khách vào mùa hè năm nay, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc tung các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới đến các chương trình ưu đãi, khuyến mãi của các cơ sở lưu trú. Như khách sạn JW Marriot Hà Nội đưa ra chương trình ưu đãi trong tháng hè dành cho các gia đình, với mức giá 4,5 triệu đồng/đêm kèm nhiều dịch vụ như ăn sáng, trà chiều. Khách sạn Silk Path đưa ra chương trình ưu đãi giảm giá 15% vào mùa hè. Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội cũng xây dựng chương trình ưu đãi và linh hoạt, cho phép khách nhận phòng lúc 12 giờ và trả phòng lúc 14 giờ. Ở ngoại thành Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú hạng sang cũng có chương trình kích cầu vào dịp hè, giúp lượng khách tăng đáng kể. Quản lý khu resort Melia Ba Vì Hoàng Văn Phương cho biết, đơn vị triển khai chính sách khách đến nghỉ được trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, đặc biệt là cắm trại, teambuilding miễn phí trong gói dịch vụ vui chơi trong ngày. Còn khu nghỉ dưỡng Glory Resort (thị xã Sơn Tây) đang áp dụng chương trình giảm giá một số ngày để thu hút khách lưu trú ở lại lâu hơn.

Đối với sản phẩm du lịch, Hà Nội có đặc thù là du lịch văn hóa, du lịch làng nghề. Để giúp khách du lịch “tránh nóng”, thành phố tận dụng khu vực vùng núi có điều kiện khí hậu mát mẻ, như vùng ngoại thành rộng lớn tại Thạch Thất, Mỹ Đức, Sóc Sơn…, nhất là khu vực Ba Vì với nhiều thác, suối đẹp, để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... Những khu du lịch tại vùng núi Ba Vì như: Thiên Sơn-Suối Ngà, Khoang Xanh-Suối Tiên, Ao Vua… gần đây đều tăng các trải nghiệm cho du khách. Tại khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì), giờ đây bên cạnh khám phá khung cảnh thiên nhiên, khách du lịch được trải nghiệm hàng loạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Xoa bóp bấm huyệt, xông hơi thảo dược, tắm sục thải độc, hít thở ô-xi tươi… Những dịch vụ gia tăng này giúp khu du lịch thu hút thêm nhiều đối tượng khách khác nhau. Một loại hình khác đang được khuyến khích là du lịch cắm trại. Trong đó, Vườn quốc gia Ba Vì là nơi có điều kiện cắm trại lý tưởng nhất, hiện được nhiều khách lựa chọn, kết hợp với leo núi, khám phá thiên nhiên. Quản lý khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat cho biết, thời điểm mùa hè, lượng khách đăng ký tour cắm trại khá đông, trong đó có nhiều du khách nước ngoài muốn trải nghiệm sản phẩm du lịch thiên nhiên, sinh thái. Với giá trị sinh thái tự nhiên sẵn có, du lịch cắm trại tại Vườn quốc gia Ba Vì đang trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn người dân Hà Nội mà không cần phải di chuyển xa.

Những giải pháp trên đang cho thấy hướng đi đúng của Hà Nội trong thu hút khách du lịch mùa thấp điểm. Tuy nhiên, để có thể hút khách hơn nữa trong mùa nắng nóng, cần tiếp tục cải thiện. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Hồng Minh, các cơ sở lưu trú cần xây dựng gói sản phẩm du lịch cụ thể nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào thời gian thấp điểm, chẳng hạn như các dịch vụ giảm giá, nhiều hoạt động đi kèm; hình thành các chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ từ lưu trú đến vui chơi, giải trí... Bên cạnh đó, một số chuyên gia du lịch đề xuất, ngoài chính sách giảm giá, kích cầu của các khách sạn, Hà Nội cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, để níu chân du khách lưu trú lâu hơn. Để phát triển du lịch cả bốn mùa, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thí dụ như du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch đường sông… để tạo sự đa dạng, tăng trải nghiệm cho du khách trong thời gian tới ■