Gia Lâm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Tạo đồng thuận, tinh gọn bộ máy

Thời gian qua, huyện Gia Lâm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ công chức dôi dư bảo đảm hài hòa, hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Lấy ý kiến cử tri về điều chỉnh địa giới tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.
Lấy ý kiến cử tri về điều chỉnh địa giới tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Từ đó, việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của huyện đạt kết quả tích cực, góp phần tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển, phát huy thế mạnh địa phương.

Phù Đổng là vùng đất địa linh nhân kiệt gắn với huyền thoại Phù Ðổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Còn Trung Mầu, miền quê cách mạng từng là an toàn khu của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ. Thế nên khi có phương án sáp nhập, người dân của cả hai xã đều muốn giữ lại tên của xã mình.

Tương tự như vậy, người dân xã Bát Tràng tự hào về làng nghề truyền thống với thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài, xã có quần thể di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc giá trị, cho nên bày tỏ nguyện vọng được giữ nguyên tên xã khi sáp nhập. Trong khi đó xã Ðông Dư có diện tích lớn hơn, có bề dày truyền thống lịch sử, cử tri của xã cũng muốn lấy tên xã mình làm tên xã mới.

Với các xã, thị trấn không đạt tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, khi sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính mở ra nhiều cơ hội để đánh thức tiềm năng, phát huy nguồn lực.

Hợp nhất Bát Tràng và Ðông Dư tạo nhiều dư địa phát triển nghề truyền thống, dịch vụ du lịch. Hai xã Kim Sơn và Phú Thị liền kề có nhiều nét tương đồng cùng nằm trên trục giao thông, sáp nhập ghép thành tên mới Phú Sơn (hàm ý thịnh vượng, vững chãi), sẽ thúc đẩy công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển, có quỹ đất dồi dào tạo vùng sản xuất chuyên canh lớn. Khi các xã lên phường, hạ tầng còn được đầu tư, quy hoạch đô thị bài bản hơn, giá trị đất đai gia tăng.

Do vậy, sau khi được tuyên truyền, giải thích, người dân các xã đã đồng tình, chỉ cần bớt chút thời gian làm lại giấy tờ nhưng được lợi ích to lớn, vì sự phát triển chung của xã nhà, huyện nhà. Tỷ lệ cử tri xã Trung Mầu nhất trí lấy tên xã sau khi sáp nhập là xã Phù Ðổng, cử tri Ðông Dư tán thành lấy tên xã Bát Tràng đạt rất cao. 99,06% cử tri của 12 xã, thị trấn được lấy ý kiến đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cho thấy cán bộ, đảng viên thông suốt, nhân dân đồng lòng, tin tưởng.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Ðề án thành lập quận Gia Lâm là tiền đề thuận lợi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh trên cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, các cuộc họp, hội nghị, trên các trang mạng xã hội.

Các đảng viên, cán bộ cơ sở tích cực vận động, thuyết phục, để chủ trương lớn của Ðảng, của Nhà nước lan tỏa mạnh mẽ tới từng hộ dân. Ðể giải tỏa nỗi lo thay đổi giấy tờ, từ kinh nghiệm sáp nhập thôn, huyện chủ động chuẩn bị phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện giảm thời gian đi lại, chờ đợi cho người dân khi làm thủ tục hành chính.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm Ðặng Thị Huyền chia sẻ bài học kinh nghiệm là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nắm chắc tình hình cơ sở, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời, triển khai bài bản, huy động cả hệ thống chính trị chung tay góp sức, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Sau khi sáp nhập, phần lớn cán bộ, công chức còn trẻ, được đào tạo bài bản và có nguyện vọng cống hiến lâu dài, do đó giải quyết số lượng dôi dư cần sắp xếp phù hợp và tinh giản theo lộ trình.

Trưởng phòng Nội vụ Trần Trung Tuyết cho biết, giải bài toán cán bộ, công chức dôi dư là công việc quan trọng trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, được huyện Gia Lâm chủ động, tập trung thực hiện. Huyện tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý, thực hiện bố trí kiêm nhiệm; rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, tình hình thực tế ở cơ sở để từ đó có phương án bố trí, sắp xếp tối ưu, đáp ứng cao nhất nguyện vọng của cán bộ, công chức, đồng thời giải quyết hợp lý trụ sở, tài sản dôi dư của các đơn vị. Huyện thực hiện sắp xếp, bố trí bảo đảm hài hòa, bố trí "đúng người, đúng việc" như điều chuyển trong nội bộ huyện (tuyển dụng vào viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp nhận vào công chức cấp xã, xét chuyển thành công chức cấp huyện nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và còn vị trí tiếp nhận; luân chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu), đồng thời giải quyết chế độ chính sách các trường hợp xin nghỉ công tác, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có nhu cầu chuyển công tác ở địa bàn ngoài huyện.

Phương án dự kiến của một số xã cho thấy sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng "hợp tình, hợp lý", trên cơ sở đánh giá công tâm, khách quan về năng lực, sở trường, kết quả công tác, ưu tiên cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn, nhiều thành tích, để tạo nguồn cống hiến lâu dài cho địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thị Nguyễn Ðức Chấn cho biết, xã quán triệt cán bộ công chức xác định rõ tư tưởng, không dao động, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành phân công của tổ chức trong trường hợp điều động, luân chuyển. Sau sáp nhập, địa bàn rộng hơn, số dân đông hơn, khối lượng công việc nhiều đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, nhất là khi chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị trong thời gian tới khi huyện trở thành quận.