Thu về, thăm làng cốm Mễ Trì

Cùng với làng cốm Vòng (quận Cầu Giấy), làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) là một làng nghề nổi tiếng của Hà Nội. Mùa thu là mùa cốm và cũng là lúc làng nghề nhộn nhịp nhất trong năm. Về đây, khách du lịch được khám phá những khâu sản xuất và mua đặc sản cốm về làm quà tặng.
Nét quê ở làng cốm Mễ Trì.
Nét quê ở làng cốm Mễ Trì.

Làng Mễ Trì gồm hai thôn Thượng và Hạ. Mễ Trì dịch nôm là “ao gạo”, có nghĩa nơi đây từ xa xưa đã nổi tiếng với việc trồng những loại gạo ngon. Từ những hạt gạo đó, người dân làm ra những hạt cốm. Xã Mễ Trì đã trở thành phường hơn chục năm nay, nhưng dù lên phố, nhiều hộ gia đình vẫn giữ gìn nghề truyền thống quê hương. Ngay từ cổng làng, Mễ Trì đã “đón” khách du lịch bằng hương thơm đồng nội của những bó lúa nếp non tấp nập được đưa về. Tháng 9, tháng 10 là vụ chính của người dân Mễ Trì.

Để giữ nguyên được độ ngọt của lúa non, những hộ làm cốm phải thức dậy từ rất sớm, khoảng 2-3 giờ sáng đi đến những vùng trồng lúa ven đô để “nhập” hàng về. Có những hộ gia đình thuê ruộng để trồng lúa, có hộ lại đặt hàng người dân sản xuất theo yêu cầu của mình. Lúa làm cốm phải là lúa được chọn lựa kỹ càng. Nguyên liệu làm cốm là các loại lúa nếp non như lương phượng, nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp cái hoa vàng… Nhưng cốm được làm từ gạo nếp cái hoa vàng là ngon hơn cả về hương lẫn vị.

Để làm cốm, phải dùng hạt thóc còn non. Ngay cả khi đặt hàng người dân sản xuất, người Mễ Trì vẫn phải thường xuyên đi thăm lúa khi lúa bắt đầu trổ đòng. Khi hạt thóc bắt đầu “đông sữa”, lập tức phải gặt về. Dù đã sản xuất “công nghiệp” hơn, khi nhiều hộ tuốt lúa, sàng sẩy, đóng bao rồi chuyển về, nhưng điều khiến nhiều khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài thích thú là bởi thi thoảng vẫn bắt gặp hình ảnh những cụ già, những phụ nữ ngồi giữa đống lúa nếp xanh non, tỉ mẩn tuốt lúa, sàng sẩy. Lúa sau khi được sàng sẩy sạch sẽ, bỏ hết hạt lép sẽ được đem đi rang.

Quá trình rang cốm là cả một nghệ thuật. Hạt thóc phải được rang sao cho đạt độ dẻo, dai. Muốn làm được như vậy, lửa cần được điều chỉnh sao cho vừa đủ, để hạt thóc chín tới, không bị sống hay vỡ nát. Thời gian rang một mẻ mất khoảng hai giờ. Mỗi mẻ cốm sau khi rang còn nóng hổi liền đem đi giã trong chiếc cối đá lớn. Cối được chôn dưới nền nhà cho đỡ ồn và bảo đảm độ đầm. Một mẻ giã được chừng 5 kg cốm. Chày giã liên tục lên xuống cho thật đều từng nhịp, hạt cốm mới đạt độ mềm, dẻo, mỏng, tơi nhất định, không bị vụn.

Việc rang, giã cốm cũng là những công đoạn thú vị dành cho khách tham quan. Một số công đoạn được hỗ trợ bằng máy móc như đảo cốm khi rang, giã cốm, nhưng có những công đoạn không thể “công nghiệp hóa” được, thí dụ như việc rang cốm phải thực hiện bằng bếp củi. Buổi sáng sớm, mùi bếp củi quyện với hương cốm man mác gợi cho người ta hương vị đồng quê. Sau khi rang, giã, người ta sẽ sàng sẩy để tách hết vỏ trấu; phải lặp đi lặp lại năm lần mới xong một mẻ cốm.

Cốm là một trong những thức quà thể hiện tinh hoa của người Hà Nội. Hình ảnh những người thợ bên những mẻ cốm non ở Mễ Trì vẫn luôn có sức hút đối với số đông khách du lịch. Điều này càng ý nghĩa hơn bởi người ta có thể khám phá “hương quê”, “cảnh quê” và cả “vị quê” trong lòng thành phố.