Thăm nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập

Sắp đến lễ Quốc khánh, để biết thêm về Bác Hồ, về nơi Bác viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều người dân ở mọi miền Tổ quốc về ngôi nhà ở số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tham quan, tìm hiểu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bạn trẻ đến tham quan di tích 48 phố Hàng Ngang vào sáng 27/8.
Nhiều bạn trẻ đến tham quan di tích 48 phố Hàng Ngang vào sáng 27/8.

Trần Anh Khoa , 23 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh là vị khách đầu tiên đến thăm di tích số 48 phố Hàng Ngang trong sáng 27/8.

Yêu lịch sử, chàng trai làm trong ngành dịch vụ khách sạn chọn ra thăm Thủ đô Hà Nội đúng vào dịp Quốc khánh. Trước khi bắt đầu hành trình, Khoa lên internet tìm một số địa điểm để tham quan, một trong những ưu tiên hàng đầu của bạn trẻ này là di tích số 48 phố Hàng Ngang.

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nguyên là của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản được giác ngộ cách mạng sớm và trở thành đảng viên cộng sản. Ông là thành viên tích cực tham gia phong trào Việt Minh và là cơ sở bí mật của các đồng chí lãnh đạo Ðảng nước ta thời kỳ trước năm 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Ðảng về ở và làm việc tại số 48 Hàng Ngang từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9/1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Ðảng họp bàn, quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời; về tổ chức ngày tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Sau này, căn nhà này được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước. Năm 1979, nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Có mặt ở di tích lịch sử này, Anh Khoa và khách tham quan được nhân viên di tích cung cấp nhiều kiến thức về lịch sử ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Ðảng… Chàng thanh niên được giải thích vì sao ngôi nhà được Trung ương Ðảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8/1945.

Chàng trai trẻ và những vị khách tham quan còn được nghe kể những câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc trong ngày Quốc khánh, về thói quen và lối sống giản dị của Người. "Qua những câu chuyện kể về Bác, tôi càng kính trọng nhân cách của Người, tự hào về Bác, về lịch sử dân tộc. Tôi thấy chuyến tham quan này thật giá trị", Anh Khoa nói.

Ðến sau Anh Khoa không lâu là mẹ con chị Nguyễn Thị Phương Bình, nhân viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Quảng Ngãi. Chị Phương Bình nghe về địa chỉ di tích nhà số 48 phố Hàng Ngang rất nhiều trong sách vở, nhưng chưa có dịp đến tận nơi.

Lần này, khi con trai được ra Hà Nội tham dự lễ tuyên dương học sinh có thành tích học tập tốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gia đình chị quyết định ở lại Hà Nội thêm một tuần để thăm các di tích lịch sử ở Thủ đô.

"Chuyến đi của gia đình chúng tôi ý nghĩa hơn khi được thăm nơi này, hiểu hơn về Bác Hồ, về lịch sử nước nhà’’, chị Phương Bình nói. Buổi tham quan như một giờ học lịch sử sinh động, hấp dẫn, hun đúc tình yêu nước trong hai con của chị.

Một nhân viên quản lý tại di tích cho biết, người dân có thể đến tham quan từ thứ ba đến thứ bảy hằng tuần. Vào các dịp như sinh nhật Bác, dịp Quốc khánh, người dân đến rất đông, nhất là các bạn trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho biết, ông rất vui và hoan nghênh người trẻ quan tâm đến các di tích lịch sử. "Suy cho cùng, cái gì cũng có thể mất đi, nhưng thứ còn lại mãi mãi chính là văn hóa, lịch sử. Người trẻ hướng về các di tích lịch sử, tức là trở về với cội nguồn’’, ông nói.

Là người lưu lại di tích số 48 phố Hàng Ngang lâu nhất trong buổi sáng 27/8, bạn Trịnh Thu Hoa, 27 tuổi, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), bước thật chậm qua từng bậc cầu thang trong ngôi nhà Bác Hồ từng sống và làm việc. "Tôi cảm giác như đang chạm tay vào mùa thu lịch sử năm 1945. Ðến đây, tôi hiểu hơn về lòng yêu nước, càng thêm biết ơn thế hệ cha anh đã trải qua gian khó để chúng tôi được sống tự do, độc lập như ngày hôm nay’’, Thu Hoa xúc động nói.