Phát huy giá trị của các di tích Cách mạng

Với hơn 400 di tích, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích Cách mạng, kháng chiến nhiều nhất cả nước. Mỗi địa danh lịch sử cách mạng kháng chiến là những "địa chỉ đỏ", trường học trực quan sinh động, di sản văn hóa vô giá, được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội gìn giữ, bảo tồn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư Trần Phú.
Khách tham quan nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư Trần Phú.

Những ngày này, Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2/9.

Di tích nhà 90 phố Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm) được chỉnh trang để đón những đoàn khách vào tham quan và tưởng nhớ đồng chí Trần Phú (1904-1931) - Tổng Bí thư đầu tiên của Ðảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm là một ngôi biệt thự ở ngã tư phố Thợ Nhuộm-Quang Trung, vốn thuộc về một người Pháp là thanh tra Sở Tài chính Trung ương vào thời điểm năm 1930. Ðây chính là nơi hoạt động bí mật của Thường vụ Trung ương Ðảng đầu năm 1930.

Ðồng chí Trần Phú được bố trí ở tại tầng hầm. Chính trong thời gian ở đây, Tổng Bí thư Trần Phú đã soạn dự thảo Luận cương Chính trị của Ðảng. Sau đó, tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp đã thông qua Luận cương chính trị. Ðây là cơ sở lý luận cho hoạt động của Ðảng ta sau này.

84 năm đã trôi qua, tòa biệt thự ở số 90 phố Thợ Nhuộm vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Một phần của tòa nhà được sử dụng làm nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú. Trong khuôn viên của tòa nhà, một tượng đài của đồng chí Trần Phú đã được dựng lên.

Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: "Chúng tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được thành phố giao nhiệm vụ quản lý, trông nom và giữ gìn những hiện vật liên quan đến Tổng Bí thư Trần Phú. Do đó, chúng tôi luôn trân trọng giữ gìn các hiện vật để giới thiệu cho khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú và các bậc lãnh tụ tiền bối của Ðảng. Hiện nay, rất nhiều cơ quan, đơn vị đến đây viếng thăm, làm lễ kết nạp Ðảng, kết nạp Ðoàn, báo công trước Tổng Bí thư, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của đồng chí".

Ðúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đều khẳng định, tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh cao cả của đồng chí Trần Phú vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ mỗi người Việt Nam.

Trước dự kiến biến di tích thành điểm du lịch của thành phố, Phó Giáo sư Phạm Mai Hùng cho biết: "Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội nên nghiên cứu bổ sung trưng bày một số hiện vật về nét sinh hoạt của gia đình người Pháp từng sống ở biệt thự này để công chúng có được cái nhìn toàn diện về bối cảnh lịch sử, hiểu hơn những khó khăn mà các đồng chí lãnh tụ trải qua khi hoạt động cách mạng bí mật ngay trong lòng địch".

Với gần 50 di tích, 355 địa điểm gắn với sự kiện Cách mạng, kháng chiến, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích Cách mạng, kháng chiến nhiều nhất cả nước. Trong đó, nhiều di tích hiện do thành phố trực tiếp quản lý gắn với cuộc đời hoạt động của lãnh tụ như: Nhà số 48 phố Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập; Ngôi nhà ở làng lụa Vạn Phúc, nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; Biệt thự số 90 phố Thợ Nhuộm, nơi Tổng Bí thư Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị…; hay những di tích từng là địa điểm gắn với chiến tranh nhân dân như: Khu Cháy (huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên), địa đạo Nam Hồng (huyện Ðông Anh), pháo đài Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm)…

Hiện nay, hầu hết các di tích, địa điểm đều được thành phố quan tâm, tu bổ. Nhiều di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục tinh thần Cách mạng. Ðiển hình như di tích Nhà tù Hỏa Lò với những tour trải nghiệm đêm; hay những di tích liên quan đến các lãnh tụ Cách mạng được biến thành những "trường học Cách mạng" với các cuộc trưng bày, giới thiệu về hoạt động của những bậc tiền bối.

Ðể những di tích, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử phát huy ý nghĩa, trở thành trường học về tinh thần Cách mạng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, ngoài việc chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, môi trường và chống lấn chiếm di tích, Hà Nội cần đầu tư sưu tầm, tư liệu hóa các cứ liệu lịch sử, đặc biệt là thông qua các nhân chứng sống để ghi lại những câu chuyện chân thực, sinh động liên quan tới di tích, làm cho các bài thuyết minh trở nên sinh động, đủ sức hấp dẫn du khách. Việc sưu tầm tài liệu này cũng là phần quan trọng trong quá trình số hóa, đưa nội dung của di tích vào các app (ứng dụng) thuyết minh, trải nghiệm tại di tích để du khách dễ dàng tìm hiểu.

Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất: Ban Quản lý Di tích và danh thắng cần phối hợp với những trường học, đơn vị trên địa bàn tăng cường các hoạt động giáo dục di sản, truyền thống. Bên cạnh đó, đơn vị nên phối hợp Sở Du lịch Hà Nội liên kết với các đơn vị lữ hành tổ chức những tour kết nối các di tích như: Nhà tù Hỏa Lò-di tích số 90 Thợ Nhuộm-số 5D Hàm Long… để phát huy hơn nữa giá trị của các di tích.