“Chuyển động” nhanh hơn trong cuộc đua chuyển đổi số

Thông minh, nhanh nhẹn, hiện đại là những ưu thế giúp cho lực lượng thanh niên Thủ đô dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các lĩnh vực trong đời sống cũng như hoạt động nghiên cứu, học tập.
Đoàn viên thanh niên huyện Gia Lâm trải nghiệm, sử dụng công trình chuyển đổi số.
Đoàn viên thanh niên huyện Gia Lâm trải nghiệm, sử dụng công trình chuyển đổi số.

Trong hơn ba tháng triển khai, Dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ” của Thành đoàn Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, đăng ký của hơn 1.200 gia đình thân nhân với mong muốn được nhận lại những hình ảnh nguyên vẹn, chân thật nhất của các liệt sĩ. Nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án này, ngày 30/8 vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã ký hợp tác với Hyratek và Qualcomm hỗ trợ hệ thống, ứng dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng AI (trí tuệ nhân tạo) trong quá trình phục dựng chân dung liệt sĩ.

Với mong muốn thể hiện sự tri ân các anh hùng, liệt sĩ, Dự án đặt mục tiêu phục dựng toàn bộ ảnh được đăng ký từ các gia đình thân nhân liệt sĩ trên địa bàn Thủ đô, dự kiến phục dựng từ 3.000 đến 5.000 ảnh.

Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội

Tích cực ứng dụng chuyển đổi số để đóng góp cho quê hương, thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô đã tăng cường xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về hàng trăm địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, thực hiện trên cả nền tảng VR (công nghệ thực tế ảo), góp phần giúp mọi người nhanh chóng tiếp cận thông tin, thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô. Đơn cử, đến quận Bắc Từ Liêm, nhiều người tò mò khi thấy ngay dưới biển tên nhiều tuyến phố như phố Lưu Cơ, phố Văn Tiến Dũng, phố Phạm Văn Đồng, phố Đặng Thùy Trâm… có một biển phụ với thông tin kèm mã QR.

Khi sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR này, mọi người có thể biết được thông tin về tuyến phố, về những danh nhân được ghi danh. Đây chính là một cách ứng dụng chuyển đổi số của Quận đoàn Bắc Từ Liêm khi thực hiện mã hóa hàng loạt các tuyến phố mang tên danh nhân trên địa bàn.

Chị Trịnh Minh Thu (ở phố Nguyễn Xuân Khoát, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Gia đình tôi chuyển về đây ở đã lâu nhưng tôi không biết gì về tên gọi của tuyến phố. Qua cách làm này, tôi cũng như mọi người đã có thêm kiến thức, hiểu biết về nơi mình sinh sống”.

Trong phát triển kinh tế, đoàn thanh niên các xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã chủ động tổ chức bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương thông qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Xuyên Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết: “Thực hiện kế hoạch của Thành đoàn cũng như để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi đã tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; giúp đoàn viên, thanh niên xây dựng kênh, video..., đồng thời, hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm”.

Các buổi livestream của Huyện đoàn Phú Xuyên đã giới thiệu, bán hàng loạt mặt hàng đặc trưng của làng nghề truyền thống trên địa bàn như giày da, túi da, sản phẩm mây giang đan… hoặc các nông sản, thực phẩm. Chương trình đã nhận được hàng chục nghìn lượt theo dõi, hàng nghìn lượt bình luận và mua sản phẩm.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, mô hình Chợ phiên điện tử livestream bán sản phẩm OCOP được triển khai với mong muốn phát huy vai trò tiên phong xung kích của thanh niên ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế.

Đoàn viên, thanh niên sẽ thực hiện các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng số và giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân và nhiều lượt theo dõi trực tuyến. Thông qua các phiên livestream sẽ giúp tăng sản lượng, doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP, đồng thời giúp người sản xuất tiếp cận, thấy được hiệu quả của kênh phân phối mới, để từ đó áp dụng vào quá trình marketing, tiêu thụ sản phẩm của mình.

Trong học tập và nghiên cứu, các bạn trẻ cũng rất tích cực tìm tòi và vận dụng chuyển đổi số, tham gia các cuộc thi về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Mới đây, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC Hòa Lạc, gần 900 đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã tham gia Ngày hội đổi mới sáng tạo Thủ đô lần thứ hai do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Cùng với đó, còn có 20 doanh nghiệp, tổ chức, start-up nổi bật tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cũng tại đây, Cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ 7 đã được phát động.

Đây là sân chơi hấp dẫn và đầy thử thách với sự tham gia của khoảng 70 trường đại học và doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Australia, Trung Quốc và Singapore. Cuộc thi tập trung vào các dự án ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, bán dẫn, công nghệ chuỗi khối, năng lượng xanh… Theo lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội, những hoạt động cụ thể, thiết thực này đang góp phần mạnh mẽ giúp tuổi trẻ Thủ đô “chuyển động” nhanh hơn, hiệu quả hơn trong cuộc đua chuyển đổi số trên toàn cầu.