Mùa thu này, tôi lại có dịp “trở về” Hà Nội. Từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thủ đô, khi xe lướt tới bờ đê sông Hồng, tôi kịp ngắm lá cờ đại phấp phới bay trên nóc đình Vẽ. Từ trong tâm thức của một người con đất Việt xuất hiện những liên tưởng: Từ 1.014 năm trước, Hoàng đế Lý Công Uẩn đã dẫn đoàn thuyền dời đô từ hành cung Hoa Lư về thành Đại La cập bến khúc sông nào và tượng hình rồng vàng huyền thoại đã bay lên từ đâu?! Để có một Hà Nội nghìn năm lắng hồn sông núi, bao triều đại, bao thế hệ đồng bào đã đắp bồi bằng sức lực và trí tuệ, bằng sông máu, núi xương! Rồi phải trải qua biết mấy gian truân thì những chàng trai chân đất khắp những làng quê Việt mới bước qua cổng đình làng để về Thăng Long quần hội và mấy ai được đề tên lên bia đá, bảng vàng, mấy ai trở thành rường cột quốc gia?!...
Thong thả những bước chân trên đường phố Hà Nội trong thời hiện đại mà trong tôi như nghe vang vọng lời vua Lý Thái Tổ tuyên “Chiếu dời đô”. Cuộc sống bình ổn sau lũy đá giăng thành và cây ngàn trùng điệp Hoa Lư không ngăn được tầm nhìn đổi mới trong tư duy của vị vua mở đầu triều Lý. Ông đã nhận thức, muốn đưa đất nước phát triển thì chọn kinh đô là việc trọng đại, phải là nơi hội tụ của bốn phương thiên hạ.
Trên đường phố Hà Nội, tôi thấy hiện lên giữa vùng linh khí, đại danh tướng Lý Thường Kiệt hùng tráng xướng lên những câu thơ “Thần” - Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời…”. Cái lý lẽ thuận theo thiên địa ấy cùng với tinh thần bất khuất của con dân trăm họ đã đuổi giặc Tống ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Nguyễn Trãi đã viết tiếp bản tuyên ngôn thứ hai mang tên “Đại Cáo bình Ngô” với lời lẽ nhân văn mà hùng hồn: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác…
Và lần thứ ba, trên Quảng trường Ba Đình một ngày mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”. Những bản tuyên ngôn ấy chính là “cốt thép” dựng nên đài vinh quang cho Thăng Long-Hà Nội-Việt Nam trong quá khứ xa xưa, trong hiện tại và muôn đời mai sau…
Về Hà Nội dịp này, tôi lại được nghe nhắc nhiều về “Thăng Long văn vật”, “Hà Nội ngàn năm văn hiến”. Từ “văn hiến” ấy được gắn với mảnh đất và con người Thăng Long như một sự hội nhập tinh hoa Việt Nam, và lại từ Thăng Long tỏa sáng trên mọi miền đất nước. Trong trường ca âm thanh “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, cảm xúc ấy được khái quát bởi những ca từ rộng mở, phóng khoáng và giai điệu trầm hùng: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu!...”.
Cũng bởi cảm xúc lắng hồn núi sông ấy mà mỗi lần bước chân trên đường phố Thủ đô, tâm hồn tôi như đằm sâu hơn. Lịch sử tái hiện, hồn dân tộc như sống động trong từng khoảnh khắc dẫu trang sử liệt oanh đã dấu vào trầm tích. Mỗi lần về Thủ đô, tôi lại có dịp đứng dưới mái ngói rêu phong Khuê Văn Các và lắng nghe trong mạch đất, thớ đá nghìn năm rực sáng thiêng liêng tiếng của người xưa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.” (Văn bia của chí sĩ Thân Nhân Trung, thảo năm 1484). Tư tưởng ấy không bao giờ và không thời nào cũ. Đó là tầm nhìn lớn, là biểu tượng rực rỡ về phương kế nuôi dưỡng nhân tài của cha ông ta.
Từ cổng tòa Văn Miếu, tôi rảo bước chân trên những dãy phố Hà Nội, được ôn lại tên phố, tên đường. Đó cũng là một cách tưởng niệm những thế hệ cha ông đã xây đắp nguyên khí Việt Nam, được làm trò nhỏ ê a học lời chánh đạo của các bậc hiền tài thuở trước. Các đại sĩ phu truyền danh thơm muôn thuở như Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu; Lê Văn Hưu, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi; rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… vẫn hiện hữu trên những nẻo đường Thủ đô và trường tồn những giá trị lớn lao trong dòng chảy văn hiến Thăng Long-Hà Nội-Việt Nam...