Hân hoan bước vào năm học mới

Ngày 5/9, cùng với học sinh cả nước, hơn 2,3 triệu học sinh Thủ đô bắt đầu bước vào năm học mới 2024-2025. Ðể hoàn thành tốt những nhiệm vụ trong năm học này, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, từ nâng cấp hệ thống trường lớp tới nâng cao chất lượng dạy và học.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy và trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) trước ngôi trường mới. (Ảnh ÐÌNH HIỆP)
Thầy và trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) trước ngôi trường mới. (Ảnh ÐÌNH HIỆP)

Từ khu đất rộng gần 3.900 m2 tại số 22, ngõ 339 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, được thành phố giao, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận, đầu tư hơn 87,8 tỷ đồng xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Chỉ sau một năm rưỡi thi công, ngôi trường mới đã hoàn thành với quy mô 20 phòng học, sáu phòng chức năng, một sàn giáo dục thể chất. Tất cả phòng học đều được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Năm học mới 2024-2025, ngôi trường mới đón 315 em học sinh tới trường.

Cô giáo Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường tiểu học Võ Thị Sáu được hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh phường Vĩnh Tuy, giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn. Ðược dạy và học trong ngôi trường mới, tập thể nhà trường sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, thi đua dạy tốt-học tốt…

Cũng với niềm hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025, thầy và trò Trường tiểu học Thủ Lệ được đón ngôi trường mới cải tạo, hiện đại và khang trang.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân quận Ba Ðình đã quyết định đầu tư hơn 105 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo tổng thể Trường tiểu học Thủ Lệ, trang bị cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại theo chuẩn quốc gia mức độ 2.

Sau quá trình cải tạo, đến nay, Trường tiểu học Thủ Lệ có quy mô bảy tầng với 38 phòng học, phòng chức năng, phòng hội đồng, thư viện và các khu phụ trợ khác, phục vụ tốt cho công tác dạy và học của thầy trò nhà trường, tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho các bậc cha mẹ học sinh.

Với hơn 2,3 triệu học sinh phổ thông và trẻ mầm non tại hơn 2.900 trường học các cấp, Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội xác định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Mùa hè vừa qua, các quận, huyện, thị xã và các trường đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng bổ sung các phòng học, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các ngôi trường mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm. Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11). Học sinh Thủ đô còn đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thành phố cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6%. Ðáng chú ý, năm học 2023-2024, các trường THPT đã kết nạp đảng cho 200 học sinh, cao hơn hai lần so với năm học trước. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Toàn thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo đang phấn khởi, tích cực triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 với 10 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung khắc phục những hạn chế của năm học trước, tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tích cực, chủ động tham mưu cho thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Ðể hoàn thành nhiệm vụ năm học 2024-2025, ngành cần phân tích kỹ những bài học kinh nghiệm đã giúp đạt được thành tựu năm học 2023-2024 cũng như nguyên nhân của những tồn tại, bất cập để đề ra giải pháp khắc phục. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cần tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội thật sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.