Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng được củng cố, nâng cao… Nhờ đó, tỷ lệ công trình vi phạm ngày càng giảm. Số công trình vi phạm năm sau thấp hơn năm trước. Sáu tháng đầu năm 2024, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 8.854 công trình, qua đó phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 125 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,41%.
So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng đã giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%). Nhiều quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, như: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. Nhiều địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, như các quận Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai; các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là các vi phạm về trật tự xây dựng có liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Không ít chủ đầu tư lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm để cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Đáng chú ý, một số địa phương còn thiếu chủ động hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong việc xử lý những công trình vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các biện pháp ngăn chặn áp dụng cho lĩnh vực trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả..., gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Để tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Thủ đô 2024 quy định: Trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp của Hà Nội được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
Quy định này áp dụng với các công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Cùng với đó, các công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
Biện pháp cắt điện, nước cũng được áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quy hoạch, việc ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm giúp lực lượng chức năng tăng thêm chế tài xử lý hiệu quả, giúp công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy ngày càng chặt chẽ hơn.